Viêm tụy cấp là tình trạng tuyến tụy bị sưng, viêm đột ngột trong một thời gian ngắn. Đây là bệnh lý tiêu hóa nguy hiểm, có nhiều mức độ và diễn biến khác nhau. Bác sĩ, Tiến sĩ Vũ Trường Khanh - Trưởng khoa Tiêu hóa - Gan mật - Tụy, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết, quá trình viêm giới hạn ở tụy chỉ có trong các trường hợp nhẹ. Nếu kịp thời phát hiện và xử trí, người bệnh sau điều trị tiên lượng tốt, thậm chí có thể chữa khỏi hoàn toàn.
Ở mức độ nặng, bệnh thường diễn tiến nhanh. Lúc này, người bệnh có thể bị sốc hoặc suy đa tạng, hoại tử tụy nhiễm trùng, đe dọa tính mạng. Tiến sĩ Khanh dẫn các nghiên cứu cho thấy, viêm tụy cấp có tỷ lệ tử vong khoảng 5-15%, tùy thuộc vào nguyên nhân, tuổi tác và bệnh đi kèm. Chẩn đoán kịp thời và phân tầng mức độ nghiêm trọng giúp bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Dưới đây là những dấu hiệu viêm tụy cấp trở nặng.
Đau bụng
Triệu chứng phổ biến nhất của viêm tụy cấp tính và mạn tính là đau đột ngột vùng bụng trên, thường là dưới xương ức sau một bữa ăn no. Lượng men tiêu hóa tiết ra nhiều trong khi nhu mô tụy đang bị viêm khiến cơn đau mỗi lúc càng tăng lên, có thể lan ra sau lưng. Khi viêm tụy cấp chuyển nặng, dịch tụy lan tỏa khắp khoang phúc mạc có thể khiến bệnh nhân đau toàn ổ bụng.
Nếu người bệnh nghiêng người về phía trước, nằm nghiêng một bên với đầu gối uốn cong gập về phía bụng có thể làm dịu cơn đau. Ngược lại, mọi cử động mạnh như ngồi dậy, ho, hít thở sâu, nằm ngửa ra hoặc đi lại có thể khiến đau dữ dội hơn.
Tăng áp lực ổ bụng tỷ lệ thuận với độ nặng của viêm tụy cấp. Ở mức độ nhẹ, bệnh nhân chỉ có cảm giác căng tức bụng. Tuy nhiên khi chuyển nặng, bụng gồng cứng. Trường hợp viêm tụy nặng xuất huyết, bụng có thể xuất hiện các vùng bầm tím dưới da xung quanh rốn hoặc ở sườn lưng, hông trái.
Buồn nôn, nôn
Khi tuyến tụy bị viêm, ruột bị giảm nhu động, gây liệt ruột, khiến thức ăn trong đường tiêu hóa không thể hấp thụ. Người bệnh có cảm giác chướng bụng, khó tiêu, buồn nôn và nôn liên tục.
Sốt
Khi bệnh nhân xuất hiện tình trạng sốt, rét run từng cơn nghĩa là có phản ứng viêm toàn thân hoặc viêm nhiễm trong ổ bụng. Đây là dấu hiệu xấu, cảnh báo có thể bị nhiễm trùng, nhiễm độc nặng.
Tụt huyết áp
Viêm tụy cấp làm nồng độ các cytokin trong máu tăng cao, tăng phản ứng của các tế bào bạch cầu và các tế bào nội mạc mạch máu, dẫn đến suy đa tạng. Viêm tụy cấp nặng biến chứng toàn thân có thể dẫn đến suy đa cơ quan, trong đó, dấu hiệu tổn thương hệ thống tuần hoàn, tim mạch là tụt huyết áp.
Nôn nhiều, không thể ăn uống, đồng thời lượng chất lỏng cần để chống lại các tổn thương ở tuyến tụy và đáp ứng viêm toàn thân thấm trong thành mạch khiến cơ thể mất nước, gây tụt huyết áp. Nếu không nhanh chóng bù dịch, vận mạch sớm, tính mạng người bệnh có thể bị đe dọa.
Suy hô hấp
Viêm tụy cấp ở thể nặng rất phức tạp, do rối loạn chức năng của nhiều cơ quan. Trong đó, biểu hiện thường gặp nhất khi viêm tụy cấp chuyển sang giai đoạn nặng là các biến chứng ở phổi, bao gồm thiếu oxy, hội chứng suy hô hấp cấp tính, xẹp phổi và tràn dịch màng phổi.
Cơ chế bệnh sinh của một số biến chứng trên được cho là do cơ thể sản sinh ra các cytokine độc hại nhằm kích hoạt đáp ứng viêm toàn thân. Từ đó, chúng làm giãn mạch, tăng tính thấm thành mạch tại mao mạch phổi khiến chất lỏng giàu protein có thể tràn vào phế nang và kẽ phổi, gây phù phổi, tổn thương phế nang lan tỏa. Đồng thời, bề dày màng trao đổi khí cũng tăng lên gây giảm lượng oxy trong máu.
Những cơn đau bụng khiến người bệnh gồng cứng. Hạn chế hít thở sâu cũng làm giảm sự trao đổi khí. Nếu lượng oxy trong máu giảm sâu, người bệnh có thể tím tái, mất ý thức, hôn mê.
Rối loạn tri giác
Viêm tụy cấp chuyển nặng gây ra các phản ứng viêm dây chuyền, có thể làm chết một số mô hoặc hoại tử. Điều này làm tăng nguy cơ nhiễm trùng huyết, dẫn đến tổn thương hoặc suy đa cơ quan, khiến chức năng của các cơ quan bị rối loạn, chuyển hóa sai lệch, ứ đọng các độc tố trong máu. Tình trạng tụt huyết áp khiến lưu lượng máu lên não giảm. Suy hô hấp gây thiếu oxy lên não cũng ức chế hoạt động của các tế bào não. Lúc này, người bệnh có thể bị chậm chạp, lừ đừ, mất ý thức, rối loạn tri giác.
Ngoài ra, người bệnh có thể gặp một số triệu chứng khác như vàng da (trường hợp viêm tụy do tắc nghẽn đường mật), tiểu ít, phù toàn thân, rối loạn nhịp tim...
Theo Tiến sĩ Khanh, viêm tụy nặng xảy ra ở 15-20% các trường hợp viêm tụy cấp. Giai đoạn đầu tiên của tình trạng này được đánh dấu bằng biểu hiện suy đa tạng không tự thuyên giảm trong vòng 48 giờ. Nếu được chẩn đoán và điều trị sớm, người bệnh tiên lượng tốt.
Người già trên 70 tuổi; người béo phì (BMI lớn hơn 30); người có bệnh nền như tiểu đường, có nguy cơ diễn tiến nặng nếu mắc viêm tụy cấp. Để phòng bệnh, mọi người nên sống lành mạnh, tập thể dục đều đặn, từ bỏ bia rượu, thuốc lá; kiểm soát cân nặng hợp lý, hạn chế ăn thức ăn nhiều dầu mỡ; uống nhiều nước; ăn nhiều rau củ quả; tẩy giun định kỳ...
Trịnh Mai