Bác sĩ Trần Vương Thảo Nghi - Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM - cho biết, có 5 giai đoạn ung thư vòm họng, từ giai đoạn 0 đến IV. Bệnh nhân có thể có một hoặc kết hợp nhiều dấu hiệu khác nhau, tùy theo vị trí của khối u cũng như giai đoạn bệnh như: nghẹt mũi, chảy nước mũi có lẫn nhầy máu, chảy dịch mũi sau; khàn tiếng; giảm thính lực, đau tai, ù tai, viêm tai giữa; nhìn đôi. Người bệnh cũng có thể bị nổi hạch ở cổ, kèm theo sưng đau hoặc không; sụt cân, chán ăn, ăn kém ngon miệng, đau xương, ho khan kéo dài...
Tùy vào giai đoạn ung thư vòm họng và tình trạng sức khỏe của từng bệnh nhân, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp. Tiên lượng sống sau 5 năm ở các giai đoạn sẽ khác nhau. Xác định giai đoạn và đánh giá tiên lượng bệnh cũng giúp bệnh nhân và thân nhân chủ động xây dựng kế hoạch cho tương lai.
Các giai đoạn của ung thư vòm họng
Giai đoạn 0: Giai đoạn sớm nhất, còn được gọi là ung thư biểu mô tại chỗ. Khối u chỉ nằm ở lớp tế bào trên cùng bên trong vòm họng và chưa phát triển sâu hơn. Lúc này, ung thư chưa di căn đến các hạch và các bộ phận xa của cơ thể.
Giai đoạn I: Khối u nằm giới hạn trong vòm họng. Khối u có thể đã lan ra hầu họng (một phần của cổ họng ở phía sau miệng) và/hoặc khoang mũi nhưng không xa hơn vùng họng. Tuy nhiên, ung thư chưa di căn đến các hạch và các bộ phận xa của cơ thể.
Giai đoạn II - III: Ung thư đã di căn đến một hoặc nhiều hạch ở một bên cổ, hoặc cả hai bên cổ, hoặc di căn đến các hạch cạnh hầu cùng bên nhưng không có hạch nào lớn hơn 6 cm theo chiều ngang. Ung thư chưa di căn đến các bộ phận xa của cơ thể.
Giai đoạn IV: Khối u đã lan đến các cấu trúc bên trong sọ, xâm lấn các dây thần kinh nội, lan xuống hạ họng, ổ mắt, tuyến mang tai và/hoặc xâm lấn phần mềm bên ngoài cơ chân bướm ngoài. Ung thư có thể chưa di căn đến các hạch, hoặc đã di căn đến một hoặc nhiều hạch ở một bên cổ, hoặc cả hai bên cổ, hoặc di căn đến các hạch cạnh hầu cùng bên, hạch có thể nhỏ hơn hoặc lớn hơn 6 cm theo chiều ngang. Ung thư có thể chưa di căn; hoặc đã di căn đến các bộ phận xa của cơ thể. Các triệu chứng do di căn xa có thể là sụt cân, chán ăn, ăn kém ngon miệng, đau xương, ho khan kéo dài...
Tiên lượng sống sau 5 năm
Bác sĩ Nghi cho biết, tỷ lệ sống còn của một loại bệnh ung thư có thể hiểu đơn giản là tỷ lệ phần trăm những người mắc loại bệnh ung thư đó vẫn còn sống trong một khoảng thời gian nhất định (thông thường là 5 năm) sau khi được chẩn đoán và điều trị. Tỷ lệ này không cho biết cụ thể một người mắc bệnh sẽ sống được bao lâu, nhưng có thể giúp hiểu rõ hơn về khả năng thành công của việc điều trị. Ung thư được chẩn đoán ở giai đoạn càng sớm, khả năng điều trị khỏi hẳn càng cao.
Tỷ lệ sống sau 5 năm của ung thư vòm họng được tiên lượng là 81% với ung thư tại chỗ, là 73% với ung thư khu trú và thường thấp hơn 40% với ung thư di căn xa.
Bác sĩ Thảo Nghi khuyến nghị, người sống trong các khu vực có yếu tố nguy cơ mắc ung thư vòm họng cao (Đông Nam Á, Trung Quốc và Việt Nam) nên nâng cao phòng ngừa bằng cách duy trì lối sống lành mạnh về dinh dưỡng và vận động thể lực; chủ động thăm khám sức khỏe định kỳ mỗi 6 tháng một lần hoặc mỗi năm một lần; chủ động tầm soát ung thư vòm họng nếu có các yếu tố nguy cơ hoặc các dấu hiệu bất thường về tai mũi họng.
Ung thư vòm họng giai đoạn đầu vẫn có tỷ lệ chữa khỏi tương đối khả quan. Bệnh nhân nên kiên trì điều trị theo phác đồ của bác sĩ chuyên khoa; không nên thực hiện theo các phương pháp chưa được kiểm chứng khoa học nhằm tránh mất tiền mà bệnh càng tăng nặng. Hiểu rõ về bệnh, các giai đoạn và phương pháp điều trị giúp bệnh nhân và thân nhân an tâm, củng cố tinh thần chống chọi với ung thư.
Nguyên Phương