Ống dẫn mật là những ống nhỏ trong cơ thể mang mật (dịch tiêu hóa) từ gan và túi mật đến ruột non giúp tiêu hóa chất béo từ thực phẩm. Ung thư đường mật (ung thư ống mật) là một loại ung thư hiếm gặp bắt đầu trong ống mật.
Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, ung thư ống mật được chia thành 4 loại tùy thuộc vào vị trí của khối u gồm ung thư đường mật ngoài gan hoặc trong gan, ung thư đường mật quanh rốn phổi và ung thư đường mật xa (nằm xa hơn trong các ống dẫn mật gần ruột non). Hầu hết các tế bào ung thư bắt đầu trong các tế bào tuyến lót bên trong ống dẫn.
Ung thư ống mật phổ biến hơn ở người trên 65 tuổi. Loại ung thư này thường khó điều trị vì hầu hết người bệnh không được chẩn đoán cho đến khi ung thư đã lan sang các vùng khác của cơ thể. Tuy nhiên, những tiến bộ y tế gần đây và các lựa chọn điều trị mới hơn đã cải thiện triển vọng cho người bệnh.
Ung thư ống mật thường không gây ra bất kỳ triệu chứng rõ ràng nào trong giai đoạn đầu. Các triệu chứng có nhiều khả năng xảy ra khi khối u tiến triển và ống dẫn mật bị tắc nghẽn.
Một số dấu hiệu nhận biết như vàng da hoặc vàng mắt, ngứa da, phân có màu trắng hoặc nhạt, nước tiểu sẫm màu, mệt mỏi, buồn nôn và nôn, đau bụng phải dưới, sốt, đổ mồ hôi đêm, giảm cân không rõ nguyên nhân. Các biến chứng của ung thư ống mật thường xảy ra khi khối u chặn ống mật. Điều này có thể gây ra các vấn đề như vàng da, nhiễm trùng, rối loạn chức năng gan hoặc suy gan. Nếu nghi ngờ ung thư ống mật, bạn có thể làm các xét nghiệm để chẩn đoán.
Một số bệnh gan và ống mật có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư ống mật gồm viêm đường mật xơ cứng nguyên phát (xơ cứng và sẹo ống mật); sỏi ống mật (sỏi nhỏ có thể gây viêm); bệnh u nang đường mật (u nang ống mật); xơ gan; viêm gan virus B, C; bất thường nơi mật và ống tụy đáp ứng; bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu... Người trên 50 tuổi, béo phì, mắc tiểu đường, lạm dụng rượu, hút thuốc lá, viêm loét đại tràng, viêm ruột, có tiền sử gia đình mắc ung thư ống mật... cũng làm tăng khả năng mắc ung thư này.
Các phương pháp điều trị ung thư ống mật đang được áp dụng hiện nay gồm phẫu thuật (cắt bỏ khối u hoặc cơ quan bị ảnh hưởng), hóa xạ trị, liệu pháp nhắm mục tiêu, liệu pháp miễn dịch. Triển vọng cho người ung thư ống mật phụ thuộc vào giai đoạn ung thư, vị trí khối u, sức khỏe tổng thể, các phương pháp điều trị và các yếu tố khác. Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, tỷ lệ sống sót sau 5 năm của bệnh là 10% đối với ung thư ống mật ngoài gan và 9% đối với ung thư ống mật trong gan. Đây là tỷ lệ tương đối, khả năng sống sót có thể cao hơn hoặc thấp hơn tùy thuộc vào giai đoạn của bệnh.
Theo Viện Ung thư Quốc gia Mỹ, thuốc trị liệu miễn dịch pembrolizumab (keytruda) có thể điều trị một số trường hợp ung thư ống mật. Tháng 9/2022, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ đã phê duyệt thuốc trị liệu miễn dịch durvalumab (imfinzi) kết hợp với phác đồ hóa trị liệu gồm gemcitabine (gemzar) và cisplatin (platinol) cho người bị ung thư ống mật giai đoạn cuối. Phương pháp điều trị bằng liệu pháp miễn dịch có thể kéo dài thời gian sống thêm khoảng 6 tuần ở người bị ung thư đường mật giai đoạn cuối.
Để giảm nguy cơ ung thư ống mật, người trưởng thành nên bỏ thuốc lá và rượu; phòng tránh lây nhiễm viêm gan B và C, HIV; tiêm vaccine phòng viêm gan B; duy trì cân nặng khỏe mạnh; tránh xa môi trường có tiếp xúc hóa chất có hại cho gan...
Mai Cat
(Theo Everyday Health)