Polyp đại tràng là những khối u lồi trong lòng đại trực tràng, hình thành do sự tăng sinh quá mức niêm mạc đại trực tràng.
BS.CKII Bùi Quang Thạch, khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết đại tràng có thể có nhiều khối nhô lên giống polyp nhưng không phải polyp như u cơ, u mỡ... Hầu hết polyp đại tràng là polyp tăng sản và polyp viêm, đều là những khối u lành tính. Polyp u tuyến, polyp nhung mao có nguy cơ cao tiến triển ác tính sau nhiều năm. Loại có kích thước lớn hơn một cm mà không được điều trị cũng có khả năng tiến triển thành ung thư đại tràng.
Theo bác sĩ Thạch, hầu hết trường hợp polyp đại tràng không gây ra triệu chứng, có thể không được phát hiện nếu chưa nội soi tầm soát. Một số triệu chứng dễ nhầm lẫn với các vấn đề tiêu hóa khác. Người bệnh nên đi khám chuyên sâu khi cơ thể xuất hiện một số dấu hiệu dưới đây.
Thay đổi thói quen đại tiện: Nếu táo bón hoặc tiêu chảy kéo dài không rõ nguyên nhân, có thể do u polyp đại tràng hoặc polyp đã tiến triển lớn. Polyp ở trực tràng thấp gần hậu môn to hoặc loét gây ra triệu chứng ruột kích thích như đi ngoài phân lỏng nhiều lần, đau quặn, mót rặn, dễ bị chẩn đoán nhầm với bệnh lỵ.
Đau bụng, buồn nôn hoặc nôn: Polyp kích thước lớn có khả năng làm tắc ruột một phần hoặc hoàn toàn, đau quặn bụng, kèm theo nôn hoặc buồn nôn, bí đại trung tiện (tình trạng tắc nghẽn đường ruột).
Thay đổi màu phân: Một số thực phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc có thể làm thay đổi màu của chất thải. Phân có mùi tanh bất thường kèm theo tơ máu, máu tươi loang ra trên khuôn phân hoặc phân nhầy kèm máu nâu đen là dấu hiệu cảnh báo. Một số trường hợp chảy máu không nhìn thấy bằng mắt thường, mà cần soi kính hiển vi hoặc làm xét nghiệm tìm hồng cầu trong phân.
Chảy máu từ trực tràng: Đây là dấu hiệu khi polyp lớn tại trực tràng và trở nặng. Người bệnh có thể nhìn thấy máu dính trên đồ lót hoặc giấy vệ sinh, dễ nhầm lẫn với bệnh trĩ hoặc nứt hậu môn.
Thiếu máu do thiếu sắt: Chảy máu do polyp diễn ra âm thầm trong thời gian dài gây thiếu máu. Chảy máu mạn tính dẫn đến thiếu sắt, khiến cơ thể không sản xuất đủ hemoglobin, làm sụt giảm số lượng tế bào hồng cầu vận chuyển oxy đến các cơ quan. Người bệnh thường xuyên mệt mỏi, xanh xao, khó thở.
Theo bác sĩ Thạch, polyp đại tràng có xu hướng phát triển chậm. Hiện nguyên nhân chưa được xác định. Những người có nguy cơ như từ 45 tuổi trở lên; có tiền sử gia đình polyp đại tràng hoặc ung thư đại tràng; hút thuốc lá, uống rượu bia; béo phì, lười vận động, dinh dưỡng mất cân bằng. Rối loạn di truyền như hội chứng đa polyp gia đình, hội chứng Lynch, Polyposis vị thành niên, hội chứng Peutz-Jeghers... có khả năng gây bệnh cao.
Sau khi phát hiện polyp đại tràng, nghi ngờ tiền ung thư, bác sĩ theo dõi, xử lý bằng kỹ thuật cắt hớt hoặc cắt tách niêm mạc qua nội soi đại tràng để lấy toàn bộ khối u, ngăn ngừa tổn thương ác tính. Nếu không loại bỏ triệt để các tổ chức loạn sản (bất thường do tăng sinh tế bào quá mức) có thể khiến chúng tiến triển thành ung thư nhanh hơn.
Người bệnh sau khi cắt polyp cần khám định kỳ để theo dõi bệnh. Thời điểm và tần suất làm xét nghiệm dựa trên số lượng, kích thước, kết quả phân tích và kết hợp nhiều yếu tố nguy cơ khác.
Bác sĩ Thạch cho biết thêm nếu nội soi đại tràng lần đầu không có polyp hoặc có polyp tuyến hoặc polyp răng cưa nhưng số lượng ít hơn ba, kích thước hơn 10 mm thì lần nội soi tiếp theo là 5 năm sau cắt hoàn toàn polyp.
Nếu nội soi lần đầu có từ ba polyp tuyến (polyp tuyến từ 10 mm trở lên, polyp tuyến nhung mao hoặc ống nhung mao), polyp răng cưa... cần nội soi lại sau ba năm.
Sau nội soi lần đầu có nhiều hơn 5 polyp tuyến thì thời gian nội soi tiếp theo là một năm sau khi cắt. Nếu quá trình chuẩn bị nội soi lần đầu không sạch, người bệnh có thể thực hiện sớm hơn các mốc thời gian trên. Người bình thường từ 45 đến 50 tuổi nên nội soi đại tràng để phòng nguy cơ polyp.
Trịnh Mai
Độc giả có thể đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để được bác sĩ giải đáp.