TS.BS Lâm Văn Hoàn (Cố vấn khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM) cho biết biến chứng bàn chân do đái tháo đường tại Việt Nam là vấn đề đáng quan tâm. Tỷ lệ đoạn chi cao do nhiều nguyên nhân, trong đó, phòng ngừa, xử trí sớm chưa được chú trọng. Ước tính khoảng 60% người bệnh loét bàn chân phải cắt cụt chi do vết loét nhiễm khuẩn và tỷ lệ tử vong sau 5 năm cắt cụt chân là 50-60%.
Triệu chứng
Người bị đái tháo đường kiểm soát bệnh kém, triệu chứng có thể biểu hiện sớm như: tê buốt bàn chân, mất cảm giác bàn chân, cảm giác đi khô ráp như đi trên cát hay đi chân mang bao nylon. Bàn chân lạnh buốt do giảm tưới máu, đôi khi, cảm giác nóng do viêm xương hay nhiễm trùng. Da bàn chân có thể bị khô, nứt nẻ, rụng lông, teo cơ, vùng cẳng chân và mô bàn chân (vùng ở giữa khoeo và sên cẳng chân sau, trên bàn chân) phồng lên. Người có tổn thương bàn chân đái tháo đường có thể xuất hiện các vết bóng nước tự nhiên, hoại tử đen ở một số vị trí trên vùng da bàn chân, các vị trí đầu ngón, các vết nứt da.
Các vết loét dưới dạng trầy xước do tác động bệnh ngoài như: đạp dị vật, cọ sát... Từ các vết thương ban đầu sau đó kèm theo nhiễm trùng do nhiều nguyên nhân như: chăm sóc vệ sinh kém, suy giảm miễn dịch, kiểm soát đường huyết kém. Các vết thương dễ lan rộng tại chỗ, gây nhiễm trùng toàn thân, nhiễm trùng huyết nguy hiểm. Các triệu chứng của vết thương có thể thấy như: tiết dịch của vết thương, có mùi hôi, dịch mủ, có thể hoại tử sang mô lân cận và lan xa tùy theo nhiều loại vi trùng hay tình trạng sức khỏe của người bệnh.
Triệu chứng toàn thân của vết thương bàn chân đái tháo đường như: mệt mỏi, chán ăn, sốt cao, nặng hơn có thể dẫn đến các bệnh cấp tính của nhiễm trùng toàn thân, kèm các triệu chứng của tăng đường huyết. Người bị đái tháo đường có thể có kèm theo các triệu chứng của bệnh sẵn có trên người cao tuổi như: cao huyết áp, đau nhức xương khớp, đi lại khó khăn.
Chẩn đoán
Bác sĩ Hoàng khuyến cáo, bên cạnh đánh giá biến chứng của bệnh đái tháo đường thì tầm soát bệnh này cũng cần thiết. Người bệnh có vết thương, vết loét cần được đánh giá đúng để điều trị tích cực, hạn chế tiến triển, trả lại chức năng, chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Tầm soát biến chứng bàn chân đái tháo đường dựa trên triệu chứng đau nhức, tê buốt, đau cách hồi, bàn chân lạnh, khô... Bác sĩ còn có thể quan sát, đánh giá về tình trạng tưới máu, viêm các biến dạng bàn chân đái tháo đường... Các biện pháp cận lâm sàng giúp đánh giá tình trạng mạch máu, tưới máu bàn chân như: đo ABI (Ankle Brachial Index), TcPO2 (transcutaneous oxygen tension). Các biện pháp giúp đánh giá cảm giác của bản chân như: nóng, lạnh, đau nông, đau sâu, rung âm thoa, điện cơ... Đánh giá áp lực đồ bàn chân đái tháo đường có thể được sử dụng. Đánh giá tổn thương xương như: bàn chân charcot, dựa trên các hình ảnh X-quang, MRI, CT Scan...
Xác định vị trí, trình trạng vết thương, vết loét rất cần thiết giúp bác sĩ tiên lượng, đưa giải pháp tích cực cho người bệnh. Cụ thể là đánh giá vết thương, vị trí, kích thước, độ sâu, tình trạng ngóc ngách, tiết dịch, mùi hôi dịch tiết, bờ vết thương. Các xét nghiệm vi sinh giúp phân lập, cấy tìm vi trùng, nấm tại vết thương cũng có thể được sử dụng.
Người bệnh nên chăm sóc bàn chân tốt, thường xuyên kiểm tra, tầm soát bệnh để ngừa biến chứng bàn chân gây nguy hiểm đến sức khỏe. Khi xuất hiện các vết loét bàn chân đái tháo đường, người bệnh nên đến bác sĩ khám để được chẩn đoán, có phương pháp chăm sóc phù hợp.
Mai Hoa