Ung thư đại trực tràng là một trong ba loại ung thư phổ biến, có thể gây tử vong cho hàng trăm nghìn người trên thế giới mỗi năm. Theo Tổ chức Ung thư toàn cầu (Globocan) vào năm 2020, 5 loại ung thư phổ biến nhất tại nước ta là ung thư gan, phổi, vú, dạ dày và đại trực tràng.
ThS. BS Nguyễn Văn Hậu, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết, có rất nhiều yếu tố làm gia tăng nguy cơ gây bệnh ung thư đại trực tràng như chế độ dinh dưỡng không lành mạnh, ít vận động, tiền sử gia đình có người mắc ung thư đại trực tràng, mắc các bệnh lý liên quan đến đường ruột... Trong đó, biến chứng từ trĩ là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất.
Vào năm 2021, Đại học Y Khoa Đài Trung (Trung Quốc) đã tiến hành một cuộc nghiên cứu trên quy mô toàn quốc trên một triệu người, kéo dài suốt 10 năm. Nghiên cứu chỉ ra mối liên hệ rõ ràng giữa trĩ và ung thư đại trực tràng, cụ thể ung thư đại trực tràng cao gấp 2,39 lần trên người bệnh trĩ so với người không bệnh trĩ (số liệu trên 1.000 người/năm) và điều trị trĩ giúp giảm 50% nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng.
Bác sĩ Hậu giải thích tình trạng nguy hiểm này xảy ra khi búi trĩ bị viêm nhiễm trong thời gian dài, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển vào sâu bên trong trực tràng. Khi viêm nhiễm phát triển nặng sẽ hình thành ung thư đại trực tràng. Tuy nhiên, căn bệnh này có thể phòng ngừa nếu được kiểm soát trĩ kịp thời. Do đó, người bệnh nên thăm khám bác sĩ ngay khi phát hiện các dấu hiệu trĩ. Thực hiện lối sống lành mạnh, chế độ dinh dưỡng phù hợp để phòng ngừa trĩ cũng rất cần thiết.
Cách phòng ngừa
Không chỉ dinh dưỡng mà thói quen sống cũng có thể ngăn ngừa trĩ như không rặn mạnh khi đại tiện; đi tiêu ngay khi có nhu cầu; tập thể dục thường xuyên; tránh đứng hoặc ngồi lâu. Mọi người nên hạn chế tối đa tất cả các hành động, tư thế có thể gây áp lực lên tĩnh mạch ở hậu môn...
Phòng ngừa và điều trị sớm trĩ là một trong những yếu tố hàng đầu giúp phòng ngừa ung thư đại trực tràng; tiếp đến là tầm soát ung thư đại trực tràng, nhất là ở những người trên 50 tuổi). Ngoài ra, nội soi đại trực tràng định kỳ theo chỉ định của bác sĩ cũng là biện pháp phòng ngừa được khuyến khích, nhất là ở người trẻ tuổi hoặc mắc bệnh trĩ.
Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh trĩ
Bác sĩ Hậu chia sẻ thêm, ít người biết rằng, trĩ cũng là nguyên nhân hàng đầu gây thiếu máu, thiếu sắt. Người bệnh không chú ý hoặc không nhận biết tình trạng xuất huyết vì lượng máu mất đi qua mỗi lần đại tiện tương đối ít. Thiếu máu do trĩ thường chỉ được phát hiện khi người bệnh đi thăm khám vì luôn cảm thấy mệt mỏi, xanh xao... Lúc này, thiếu máu do trĩ đã trở thành mạn tính, các chỉ số hồng cầu trong máu bị suy giảm. Mặc dù không đe dọa tính mạng nhưng thiếu máu mạn làm người bệnh luôn trong trạng thái kiệt sức, suy nhược cơ thể, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống. Ở trường hợp nặng, người bệnh có thể cần truyền máu hoặc nhập viện điều trị.
Để bổ sung lượng máu đã mất đi do trĩ, người bệnh cần tăng cường các loại thực phẩm bổ sung chất sắt như thịt bò, sò huyết, cá thịt đỏ (cá hồi, cá ngừ...). Tuy nhiên, các thực phẩm có hàm lượng sắt cao thường gây nóng trong, có thể dẫn đến táo bón. Do đó, để điều trị tình trạng thiếu máu thiếu sắt, đồng thời ngăn ngừa táo bón, người bệnh cần bổ sung thêm các loại thực phẩm giàu chất xơ (rau củ quả) và chất béo (các loại hạt, sữa và chế phẩm từ sữa...).
Thiếu hụt collagen vùng hậu môn trực tràng cũng làm giãn mao mạch, dễ dẫn đến trĩ. Collagen có thể tìm thấy trong các loại thực phẩm như hải sản, xương hầm, thịt gà, rau củ quả có màu xanh đậm... Cân bằng lợi khuẩn trong đường tiêu hóa cũng có thể tăng kháng thể và hỗ trợ phòng ngừa ung thư đại trực tràng.
Phi Hồng