Dấu hiệu nào cảnh báo suy tuyến giáp ở trẻ vị thành niên? (Vũ Loan, Long An)
Trả lời:
Suy giáp là tình trạng tuyến giáp hoạt động kém, không sản xuất đủ lượng hormone cần thiết, ảnh hưởng đến nhiều chức năng của cơ thể như tăng trưởng, chức năng não, tâm trạng, trao đổi chất, dậy thì và sinh sản. Về cơ bản, tuyến giáp kiểm soát tốc độ trao đổi chất, tốc độ chuyển hóa của toàn cơ thể.
Viêm tuyến giáp tự miễn (bệnh Hashimoto) là nguyên nhân gây suy giáp ở trẻ em và thanh thiếu niên thường gặp. Trẻ có nguy cơ suy giáp cao hơn nếu tiền sử gia đình có người bị suy giáp, nhất là trong trường hợp người mẹ đang mang thai bị suy giáp và không được kiểm soát tốt, chữa trị triệt để. Triệu chứng suy giáp ở trẻ em không giống với người lớn, khác nhau ở từng trẻ và từng lứa tuổi. Một số trẻ có thể không có biểu hiện, gây khó khăn trong chẩn đoán, phát hiện bệnh.
Trong độ tuổi thanh thiếu niên, các dấu hiệu của suy giáp có thể xuất hiện như chậm tăng trưởng, dậy thì muộn, rối loạn chu kỳ kinh nguyệt, da khô, nhịp tim chậm, mệt mỏi, khó tập trung, tóc khô dễ gãy rụng, tăng cân không rõ nguyên nhân. Ở một số trẻ, suy giáp có thể gây phì đại tuyến giáp.
![Bác sĩ Duy khám cho một người bệnh. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2025/02/14/1-2-1739500346-1407-1739500531.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=yq3cgp3LknS5vMoJZZer1w)
Bác sĩ Duy khám cho một người bệnh. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Trẻ bị suy giáp không được phát hiện và điều trị sớm, đúng cách dễ ảnh hưởng đến sức khỏe và hoạt động của nhiều cơ quan. Suy giáp có thể gây biến chứng nguy hiểm như bướu cổ, tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, suy tim, tổn thương thần kinh ngoại biên, ảnh hưởng khả năng sinh sản...
Các bệnh tuyến giáp có thể kiểm soát hiệu quả bằng thuốc hoặc phẫu thuật. Để phòng bệnh cho trẻ, phụ huynh nên xây dựng cho con chế độ dinh dưỡng khoa học, phù hợp. Cung cấp đủ 150 mcg iốt mỗi ngày cho trẻ thông qua các loại thực phẩm như cá biển, hải sản, khoai tây, muối iốt... Nếu trẻ được chẩn đoán chức năng tuyến giáp kém có thể bổ sung vitamin D, kẽm và selen theo chỉ định của bác sĩ.
Con bạn đã dậy thì nhưng kinh nguyệt không đều, cùng các biểu hiện của bướu cổ, da khô, tóc khô dễ gãy rụng... có khả năng suy tuyến giáp. Bạn nên đưa con đến các cơ sở y tế, bệnh viện có chuyên khoa Nội tiết để tầm soát nguy cơ, điều trị kịp thời (nếu có).
BS.CKI Võ Trần Nguyên Duy
Khoa Nội tiết - Đái tháo đường
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi bệnh nội tiết tại đây để bác sĩ giải đáp |