Kể từ khi sinh con gái đầu lòng năm 2012, chị Hồng (ở Thủ Đức) luôn tất bật. Chồng thường xuyên xa nhà, một mình chị chăm con và mẹ chồng hơn 70 tuổi mắc bệnh tim. Mỗi ngày rời nhà trọ đi làm từ 5h30, kết thúc mọi việc lúc 23h, chị mệt lả.
"Nhiều lần chồng muốn sinh thêm con nhưng tôi kiên quyết từ chối bởi tằn tiện lắm mới đủ chi tiêu gia đình, lại một mình chăm con", chị nói.
Hai năm gần đây, kinh tế ổn định hơn, muốn sinh con thứ hai nhưng mãi không có thai. Đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám đầu năm 2023, chị Hồng được bác sĩ phát hiện hàng loạt vấn đề sức khỏe sinh sản liên quan đến tuổi tác.
Trường hợp khác là chị Xuân, tiến sĩ ngành Hóa học, kết hôn ở tuổi 34 sau gần 10 năm học tập, nghiên cứu và làm việc ở nước ngoài. Khi hai vợ chồng bước sang tuổi 45, cuộc sống đầy đủ vật chất, họ mới nghĩ đến việc có con. Tuy nhiên, bác sĩ cho biết cơ hội làm mẹ của chị Xuân còn rất thấp do lớn tuổi, dự trữ buồng trứng cạn kiệt, nội mạc tử cung "mỏng như lá lúa", chồng tinh trùng ít, nguy cơ cao sinh con dị tật.
Tại TP HCM, sau năm 2000 có một thế hệ phụ nữ chỉ sinh một con do nhiều nguyên nhân như áp lực công việc, gánh nặng kinh tế, mức sống đắt đỏ, chi phí đầu tư nuôi dạy con cao, muốn phấn đấu sự nghiệp... Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, bình quân ở TP HCM một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ sinh 1,24-1,68 con, thấp hơn 20-30% so với cả nước. Tổng tỷ suất sinh riêng tại thành phố này thấp nhất cả nước trong 16 năm qua dù nhà chức trách liên tục vận động mỗi vợ chồng sinh đủ hai con.
Xu hướng phụ nữ mang thai và sinh con tự nhiên giảm, trong khi tỷ lệ vô sinh hiếm muộn ngày càng gia tăng. Báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hồi tháng 4 cảnh báo tình trạng vô sinh đang gia tăng trên toàn cầu, với ước tính cứ 6 người trưởng thành thì có một trường hợp bị vô sinh ít nhất một lần trong đời. Theo Bộ Y tế, tỷ lệ vô sinh hiếm muộn của các đôi vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ ở Việt Nam là 7,7%. Trong đó, hơn 50% là vô sinh thứ phát, tức đã có thai hoặc đẻ con ít nhất một lần nhưng không thể có con tiếp, tăng 15-20% mỗi năm.
Hệ quả của tình trạng này là tỷ lệ tìm đến các công nghệ hỗ trợ sinh sản để sinh con tăng với tốc độ 5-10% mỗi năm trên thế giới. Tại Việt Nam, chỉ riêng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), phương pháp hỗ trợ sinh sản phổ biến nhất, doanh thu quốc gia năm ngoái đã đạt 132 triệu USD và dự báo vượt 200 triệu USD vào 2028, theo báo cáo của Research and Market (công ty nghiên cứu thị trường quốc tế của Mỹ). Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP HCM (HOSREM) cho biết mỗi năm Việt Nam thực hiện hơn 50.000 trường hợp IVF mới.
Với các đôi vợ chồng lớn tuổi, khả năng có con tự nhiên càng khó. Như chị Hồng, BS.CKI Châu Hoàng Phương Thảo, Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản (IVFTA-HCMC), cho biết chỉ số dự trữ buồng trứng (AMH) suy giảm nặng còn 0.2, siêu âm đầu chu kỳ chỉ có 2-3 nang trứng, có polyp bên trong tử cung, nội mạc mỏng. Những bệnh lý này là thách thức lớn với khả năng sinh sản, ngay cả khi áp dụng phương pháp IVF.
Bác sĩ Thảo từng tiếp nhận nhiều trường hợp vô sinh, hiếm muộn vì "trẻ ngại đẻ", trong đó trường hợp lớn nhất là người vợ 50 tuổi, vô sinh sau khi sinh con đầu gần 15 năm. Nguyên nhân vô sinh cũng mắc các bệnh lý giống chị Hồng.
Bác sĩ lý giải khả năng sinh sản của nam giới và nữ giới đều suy giảm theo tuổi tác. Với phụ nữ, khả năng sinh sản giảm dần khi bước sang tuổi 30 và giảm nhanh sau 35 tuổi. Đến tuổi 40, cơ hội có thai của phụ nữ chỉ còn khoảng 40% do số lượng và chất lượng noãn ở hai bên buồng trứng bị suy giảm đáng kể. Khoảng 75% tổng số noãn bị bất thường về nhiễm sắc thể, điều này làm giảm cơ hội mang thai và tăng nguy cơ sẩy thai.
ThS.BS Giang Huỳnh Như, Giám đốc IVFTA-HCMC, cho biết thêm tỷ lệ sẩy thai của phụ nữ tăng dần theo độ tuổi. Với phụ nữ độ tuổi 20 là 10% và tăng lên 90% ở tuổi 45. Nếu người chồng trên 45 tuổi, nguy cơ sẩy thai tăng gấp đôi so với người chồng ở độ tuổi đôi mươi. Nguy cơ gặp các biến chứng của thai kỳ cũng tăng lên như đái tháo đường thai kỳ, tiền sản giật, sinh non...
Khi lớn tuổi, người phụ nữ còn có xu hướng gặp phải nhiều vấn đề sức khỏe khác ảnh hưởng đến khả năng sinh sản như nhân xơ tử cung và lạc nội mạc tử cung. Những đứa trẻ được sinh ra từ các cặp cha mẹ lớn tuổi có nguy cơ cao hơn về các dị tật bẩm sinh, bất thường nhiễm sắc thể và những rối loạn của bệnh tự kỷ. Ước tính nguy cơ trẻ em có bất thường nhiễm sắc thể khoảng 1/400 đối với phụ nữ ở độ tuổi 30 và 1/100 đối với phụ nữ ở độ tuổi 40.
Theo Bộ Y tế, ước tính Việt Nam có khoảng một triệu cặp vợ chồng vô sinh. Các chuyên gia lo ngại xu hướng kết hôn, sinh con trễ và tâm lý ngại đẻ thêm con thứ hai có thể khiến tình trạng vô sinh ngày càng gia tăng, khó điều trị, tăng chi phí và tỷ lệ thành công thấp. Đặc biệt, phụ nữ lớn tuổi tăng nguy cơ phải xin trứng từ người khác để thụ tinh ống nghiệm hoặc xin con nuôi.
Bác sĩ Như cho biết kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) có thể giúp những người hiếm muộn có con, nhưng kỹ thuật này gặp phải nhiều thách thức hơn khi họ già đi. Thông thường, một chu kỳ tạo phôi IVF cần khoảng 8-15 trứng, nhưng với trường hợp lớn tuổi, số lượng trứng ít, chất lượng kém khiến khả năng tạo được phôi thấp hơn, giảm tỷ lệ thụ thai thành công. Khi đó, bác sĩ phải gom trứng hoặc gom phôi nhiều chu kỳ cho bệnh nhân.
Tại IVFTA, những trường hợp AMH chạm đáy (dưới 0.3), chỉ thu được 1-3 trứng, vẫn có con mà không phải xin trứng nhờ công nghệ nuôi cấy phôi kết hợp trí tuệ nhân tạo và sàng lọc di truyền. Dù hầu hết bệnh nhân lớn tuổi, vô sinh lâu năm, dự trữ buồng trứng kém, chuyển phôi thất bại nhiều lần..., trên 80% ca bệnh điều trị thành công dù chỉ chuyển một phôi.
Sau hai chu kỳ kích thích buồng trứng, chị Hồng có tổng cộng ba phôi và trữ đông trước khi hết trứng hoàn toàn. Chị được nội soi buồng tử cung cắt polyp lòng tử cung, bơm huyết tương giàu tiểu cầu tự thân hỗ trợ làm dày nội mạc. Chị đậu thai ngay lần chuyển phôi đầu tiên vào tháng 7/2023. Thai nhi hiện gần 19 tuần tuổi, phát triển khỏe mạnh.
"May mắn vợ chồng tôi vẫn có thêm con. Dù gái hay trai, gia đình đều vui", chị Hồng nói.
Trong khi đó chị Xuân sau nhiều cân nhắc quyết định không sinh con. Chị nhận nuôi con gái người em ruột, hiện cả gia đình định cư tại Canada.
Bác sĩ Như khuyến cáo để tăng hiệu quả điều trị, tăng tỷ lệ IVF thành công, một cặp vợ chồng có quan hệ tình dục, không tránh thai nhưng không thể mang thai tự nhiên trong một năm, hoặc 6 tháng nếu người vợ trên 35 tuổi, nên đi khám sức khỏe sinh sản sớm.
"Phụ nữ nên sinh con trước tuổi 35 để đảm bảo sức khỏe không chỉ cho thai nhi mà còn cho người mẹ trong hành trình mang thai, sinh nở và nuôi con sau này", bác sĩ Như nói thêm.
Với những phụ nữ chưa muốn có con trước 35 tuổi, kỹ thuật trữ trứng và trữ phôi có thể giúp bảo tồn khả năng sinh sản. Họ được kích thích buồng trứng, chọc hút và chọn những trứng trưởng thành có chất lượng tốt nhất để trữ đông trong môi trường chuyên biệt -196 độ C. Người đã kết hôn, trứng được chọc hút, thụ tinh tạo thành phôi và trữ đông bảo tồn trong môi trường tương tự.
Thời gian lưu trữ không giới hạn giúp phụ nữ có thể rã đông trứng hoặc phôi và sinh con khỏe mạnh tùy thời điểm mong muốn. Tại IVFTA-HCMC, tỷ lệ trứng và phôi sống sau rã đông lên tới 97%, theo bác sĩ Như.
Hoài Thương
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi về vô sinh, hiếm muộn tại đây để bác sĩ giải đáp |