Trả lời:
Sỏi thận (sỏi niệu) là viên sỏi nhỏ được hình thành từ tập hợp khoáng chất hoặc vật liệu được tìm thấy trong nước tiểu như canxi, oxalate, cystine, axit uric. Nguyên nhân hình thành sỏi thận chủ yếu do yếu tố môi trường (chế độ dinh dưỡng, lối sống) và di truyền.
Mặc dù sỏi thận thường xảy ra ở người lớn, nhưng trẻ em, thậm chí trẻ sơ sinh cũng có thể mắc bệnh này, tỷ lệ khoảng 1/1.000-1/7.000.
Lượng nước trẻ uống mỗi ngày liên quan trực tiếp đến lượng nước tiểu. Tùy vào cân nặng, cơ thể trẻ có các nhu cầu lượng nước cần thiết khác nhau.
- Trẻ nặng 1-10 kg cần 100 ml nước cho mỗi kg cân nặng.
- Trẻ 11-20 kg cần một lít nước cho 10 kg cân nặng đầu tiên và mỗi kg tăng thêm cần uống thêm 50 ml nước.
- Trẻ từ 21 kg trở lên cần uống 1,5 lít nước cho 20 kg cân nặng đầu tiên và mỗi kg tăng thêm cần bổ sung thêm 20 ml nước.
- Trẻ sơ sinh và dưới 6 tháng tuổi chỉ nên cho bú đủ sữa mỗi ngày.
Trường hợp con bạn, lượng nước cần cung cấp cho cơ thể mỗi ngày là 1,6 lít nước. Hiện bé chỉ uống gần một lít là chưa đủ với nhu cầu cơ thể, khiến lượng nước tiểu ít, dẫn đến nguy cơ sỏi thận tăng lên.
Bé có thói quen nhịn tiểu cũng có thể khiến các chất tạo sỏi tích tụ. Biểu hiện thường gặp là trẻ đau ở các bộ phận lưng, bụng, hông hoặc bẹn; tiểu lắt nhắt, đau khi đi tiểu, có máu trong nước tiểu, nước tiểu có màu đục, tiểu gấp, nôn hoặc buồn nôn, sốt.
Ngoài ra, một số yếu tố khác tăng nguy cơ phát triển sỏi thận ở trẻ như dị tật bẩm sinh ở thận, niệu quản hoặc bàng quang, rối loạn di truyền...

Trẻ bị sỏi thận có thể có nhiều triệu chứng như đau bụng, sốt, tiểu nhắt, đau khi tiểu. Ảnh: Freepik
Sỏi thận có thể gây đau, chặn dòng nước tiểu hoặc ảnh hưởng đến chức năng của thận. Thông thường, nếu viên sỏi kích thước nhỏ (dưới 5 mm) có thể tự đào thải ra bên ngoài qua đường tiết niệu. Nhưng nếu viên sỏi có kích thước lớn hơn, bệnh nhân cần được hỗ trợ điều trị. Có đến 30-65% trường hợp trẻ từng bị sỏi thận có nguy cơ phát triển thêm những viên sỏi khác, nguy hiểm nếu không phát hiện và điều trị sớm.
Để phòng ngừa sỏi thận ở trẻ, phụ huynh nên nhắc nhở trẻ uống đủ nước với nhu cầu cơ thể. Bên cạnh đó, cha mẹ cần duy trì cho con chế độ dinh dưỡng khoa học, hạn chế nước ngọt có ga, thức ăn nhanh, thực phẩm chứa nhiều gia vị hoặc mặn; bổ sung đủ lượng canxi, natri, vitamin C, D... khi cần thiết theo chỉ định của bác sĩ. Bạn cũng nên tập cho con thói quen không nhịn tiểu.
Trường hợp trẻ có triệu chứng như bất thường như đau ở lưng, bụng; bất thường tiểu tiện như trên nên đến bệnh viện để khám.
PGS.TS.BS Vũ Huy Trụ
Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp |