Trả lời:
Say tàu xe là tình trạng não nhận thông tin mâu thuẫn từ mắt, tai trong, dây thần kinh ở khớp khi cơ thể di chuyển trên tàu, xe, máy bay... Lúc này, tai trong cảm nhận được chuyển động nhưng mắt và cơ thể thì không.
Say xe không nguy hiểm đến sức khỏe. Tuy nhiên, nếu hành trình di chuyển xa, kéo dài nhiều ngày có thể khiến trẻ suy kiệt, mất nước vì nôn ói nhiều, hạ huyết áp.
Nhiều thuốc chống say xe giúp cải thiện triệu chứng rõ rệt. Tuy nhiên, phần lớn thuốc chống say xe có dạng uống hoặc dán ít được dùng cho trẻ. Miếng dán chống say tàu xe thường dùng cho trẻ 12 tuổi trở lên.
Một số thuốc, miếng dán chống say xe có tác dụng phụ, có thể gây ra các triệu chứng thần kinh như chóng mặt, nói sảng, hoảng loạn, tim đập nhanh. Trẻ dễ gặp các tác dụng phụ này hơn người lớn, nhất là nhóm trẻ dưới 6 tuổi. Do đó, trẻ nhỏ say tàu xe không nên sử dụng thuốc, bạn nên ưu tiên các biện pháp hỗ trợ dưới đây.
Thay đổi vị trí ngồi và hành động giảm say xe: Nếu di chuyển bằng ô tô, bạn cho con ngồi ghế trước, tựa đầu vào lưng ghế, nhắm mắt lại để não bộ cảm nhận được sự di chuyển của cơ thể. Nếu có thể, bạn cho bé nằm ngửa, nhắm mắt và ngủ. Di chuyển tàu lửa, chọn chỗ ngồi có cửa sổ hướng về phía trước. Nếu đi thuyền chọn vị trí ngồi giữa thuyền ở boong trên.
Sử dụng hương liệu: Cho trẻ ngửi mùi hương bạc hà, hoa oải hương, vỏ cam, quýt. Ngậm kẹo có hương vị bạc hà, gừng cũng giảm được triệu chứng say xe.
Chế độ ăn, uống: Trước khi lên xe nên uống nhiều nước, chọn thực phẩm ít chất béo, nhạt, nhiều tinh bột. Tránh ăn quá no, nhiều thịt, dầu mỡ, đồ chua, cay gây khó chịu cho dạ dày.
Chọn thời gian và phương tiện di chuyển: Nếu con say xe nặng, bạn có thể chọn lịch trình phù hợp với thời gian ngủ của bé. Trẻ ngủ sẽ giảm được nguy cơ say tàu, xe. Nếu di chuyển xa, ưu tiên đi máy bay, vì thời gian trẻ đi tàu, ô tô kéo dài hơn gây nôn ói nhiều, mệt mỏi, mất nước, kiệt sức.
Ths.BS CKI Lê Thị Ngọc
Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh trẻ em tại đây để được bác sĩ giải đáp |