Trả lời:
Kẽm là khoáng chất thiết yếu hỗ trợ tăng trưởng, miễn dịch, chuyển hóa năng lượng. Kẽm cũng kích thích ăn ngon miệng, thúc đẩy hồi phục vết thương, góp phần cấu tạo các tổ chức trong cơ thể.
Trẻ thiếu kẽm thường biếng ăn, chậm tăng trưởng, rụng tóc, tiêu chảy, tổn thương lâu lành, gặp vấn đề về da, mắt. Trẻ chậm lớn, giảm sức đề kháng nên dễ mắc bệnh nhiễm trùng, bệnh đường hô hấp. Những trẻ lớn thiếu khoáng chất này thường chậm tăng trưởng sinh dục, khả năng sinh sản.
Con bạn ba tuổi, có biểu hiện chán ăn, sụt cân, thỉnh thoảng bị tiêu chảy nhẹ thì cần đi bác sĩ khám để tìm ra nguyên nhân. Thiếu kẽm có thể là nguyên nhân nhưng trẻ cũng có thể mắc bệnh đường tiêu hóa, chán ăn tâm lý, cơ địa dị ứng, hệ miễn dịch yếu, môi trường chăm sóc chưa phù hợp hoặc thiếu sắt, vitamin.
Bạn tránh bổ sung kẽm cho trẻ khi biếng ăn, chậm tăng cân hoặc dễ viêm nhiễm mà chưa rõ nguyên nhân. Nhiều trẻ xét nghiệm vi chất dinh dưỡng có tình trạng thừa kẽm do gia đình tự bổ sung cho trẻ nhưng chưa kiểm tra nồng độ kẽm trong máu. Thừa kẽm khiến trẻ buồn nôn, chóng mặt, đau bụng, làm mất cảm giác ngon miệng, chán ăn, suy yếu hệ miễn dịch. Sử dụng kẽm liều cao còn có thể gây hạ magie máu dẫn đến run tay, chân, chóng mặt.
Bạn nên đưa con đến bác sĩ nhi khoa hoặc bác sĩ dinh dưỡng. Bác sĩ có thể chỉ định trẻ xét nghiệm vi chất trong cơ thể bằng máy sắc ký lỏng hiệu năng cao UPLC, xác định cơ thể đang thiếu, thừa dưỡng chất nào. Từ đó, bác sĩ tư vấn chế độ dinh dưỡng, bổ sung vitamin, khoáng chất phù hợp. Nếu trẻ cần bổ sung kẽm thì nên dùng trước hoặc sau bữa ăn, buổi tối trước khi ngủ theo liều lượng chỉ định.
Bác sĩ Trần Thị Trà Phương
Khoa Dinh dưỡng Tiết chế
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội
Độc giả đặt câu hỏi về dinh dưỡng tại đây để bác sĩ giải đáp |