Theo tờ Very Well Health (Mỹ), béo phì ở trẻ em có thể do chế độ ăn uống không lành mạnh, ít tập thể dục thể thao, ngủ không đủ giấc, gene di truyền... Kể từ dịch Covid-19, nguy cơ béo phì ở trẻ em tăng do giãn cách xã hội hạn chế không gian và cơ hội vận động.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, trẻ thừa cân có khả năng mắc các bệnh như tăng huyết áp và cholesterol cao - những nguy cơ của bệnh tim mạch. Tăng nguy cơ rối loạn dung nạp glucose, kháng insulin là tiền đề của bệnh tiểu đường tuýp hai ở trẻ trong tương lai. Insulin giúp các tế bào sử dụng đường glucose để tạo năng lượng. Khi cơ thể kháng với insulin, glucose có thể tích tụ trong máu, gây ra lượng đường trong máu cao. Kháng insulin có thể tiến triển thành tiền tiểu đường và hội chứng chuyển hóa. Nếu không được điều trị, các biến chứng lâu dài có thể phát triển bao gồm bệnh tiểu đường tuýp hai, bệnh tim và bệnh mạch máu.
Trẻ béo phì còn có thể mắc bệnh về hô hấp (hen suyễn và ngưng thở khi ngủ), vấn đề về xương khớp, gan nhiễm mỡ, sỏi mật và trào ngược dạ dày thực quản. Các vấn đề tâm lý khác như tự ti do bị bắt nạt, kỳ thị dẫn đến lo lắng và tệ hơn là trầm cảm.
Trong nhiều trường hợp, tiền tiểu đường, bệnh tiểu đường tuýp hai có thể được kiểm soát thông qua thay đổi lối sống như chế độ ăn uống và tập thể dục.
Cách cải thiện cân nặng cho trẻ
Cha mẹ nên tìm các biện pháp ngăn ngừa và cải thiện tình trạng béo phì ở trẻ. Mục tiêu của trẻ em bị thừa cân là giảm tốc độ tăng cân nhưng vẫn đảm bảo tăng trưởng và phát triển bình thường. Không nên áp dụng chế độ ăn kiêng giảm cân cho trẻ khi không có sự tư vấn của các chuyên gia dinh dưỡng.
Phụ huynh có thể giúp trẻ duy trì cân nặng hợp lý bằng cách phát triển thói quen ăn uống lành mạnh. Ăn uống lành mạnh chẳng hạn như ăn nhiều trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt, sữa và cá; hạn chế thực phẩm nhiều chất béo... Chế độ ăn uống hợp lý còn ảnh hưởng đến tuổi thọ và giảm tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân.
Theo học viện Dinh dưỡng và Chế độ ăn uống Mỹ, tạo sự kết nối giữa trẻ và các loại thực phẩm tốt cho sức khỏe có thể giảm nguy cơ mắc bệnh béo phì. Một nghiên cứu trên 3.000 học sinh lớp 5 ở Canada cho thấy nấu ăn ở nhà thúc đẩy thói quen ăn uống lành mạnh ở trẻ em. Nghiên cứu khác của Thụy Sĩ chia những đứa trẻ từ 6-10 tuổi thành hai nhóm. Nhóm một là trẻ em chuẩn bị bữa ăn trưa với sự hỗ trợ của cha mẹ; nhóm hai là không cho trẻ nấu ăn cùng cha mẹ. Kết quả cho thấy những đứa trẻ giúp cha mẹ nấu ăn có xu hướng thích ăn và ăn nhiều rau.
Cha mẹ nên tạo cơ hội, khuyến khích trẻ cùng lên kế hoạch mua sắm và chuẩn bị bữa ăn hàng ngày. Tùy vào độ tuổi mà phân công việc phù hợp với trẻ. Ví dụ, trẻ từ 2-5 tuổi bắt đầu từ những việc đơn giản như rửa, lặt rau. Trẻ từ 6-8 tuổi có thể khuấy trứng, học cách sử dụng các dụng cụ làm bếp một cách an toàn dưới sự giám sát của người lớn. Những thói quen tốt này giúp giảm tỷ lệ béo phì và ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp hai, các bệnh liên quan hệ tim mạch, đường hô hấp khác.
Nhằm ngăn ngừa tình trạng thừa cân, Học viện Nhi khoa Mỹ khuyến nghị các bậc phụ huynh nên hạn chế thời gian xem tivi, chơi điện tử của trẻ. Thay vào đó là tăng cường vận động để giúp trẻ béo phì giảm cân và duy trì cân nặng hợp lý. Ví dụ, trẻ từ 3-5 tuổi nên hoạt động thường xuyên, hạn chế ngồi hay nằm nhiều. Trẻ em và thanh thiếu niên từ 6-17 tuổi nên hoạt động thể chất ít nhất 60 phút mỗi ngày bao gồm các hoạt động thể dục nhịp điệu, chơi thể thao, hoạt động tăng cường sức khỏe xương và cơ bắp như chạy bộ, nhảy dây, chống đẩy hoặc leo núi.
Nhi Tiêu
(Theo Very Well Health)