Tôi cho rằng cuộc đua vào trường công áp lực là do chính cách nghĩ của phụ huynh và học sinh. Thực tế, kỳ thi nào chẳng có sự cạnh tranh và loại bỏ một số lượng người học nhất định. Vấn đề không chỉ là hệ thống trường công lập ít mà còn là vấn đề phân loại năng lực học sinh. Đề thi năm nay được đánh giá dễ hơn các năm trước, nhưng tại sao vẫn nhiều em điểm kém hơn?
Những em này không đỗ trường công lập thì vào học trường dân lập hoặc Trung tâm Giáo dục thường xuyên là điều dễ hiểu. Cũng không thể lấy lý do sợ con hư khi học trường tư hay Trung tâm Giáo dục thường xuyên để đòi hỏi tất cả học sinh phải được học trường công. Tôi cho rằng người học và phụ huynh cần tự xem lại mình đã cố gắng, nỗ lực hết sức hay chưa, sức học đến đâu trước khi trách các trường công lập lấy điểm chuẩn cao.
Tôi cho rằng, việc học sinh từ cấp một lên cấp hai không phải thi là hợp lý, nhưng từ cấp hai lên cấp ba là giai đoạn chuyển tiếp và định hướng nghề nghiệp nên cần phải được phân loại, sàng lọc. Những ai đạt đủ điều kiện, chuẩn đầu vào có thể theo tiếp lên THPT công lập như bình thường. Còn những ai không đạt sẽ định hướng học nghề.
Nhưng vấn đề chính ở đây là hầu hết phụ huynh và học sinh đều không muốn như vậy, họ vẫn muốn vào THPT công lập, rồi học tiếp lên học đại học bất chấp năng lực đến đâu, dẫn đến tình trạng "thừa thầy thiếu thợ" sau này. Thực tế, không thiếu con đường cho các em thi trượt lớp 10 công lập muốn tiếp tục con đường học vấn như học trường tư nếu có điều kiện, hoặc vào Trung tâm Giáo dục thường xuyên vừa học kiến thức vừa học nghề. Sau đó, nếu thực sự quyết tâm, các em vẫn được thi đại học một cách bình đẳng như bao học sinh khác.
>> 'Nếu trượt cấp ba, con tôi không biết làm gì'
Chúng ta cái gì cũng muốn bỏ, nhưng lại không muốn sàng lọc người học thì lấy đâu ra hiền tài cho đất nước? Tất nhiên, tôi không nói ai đỗ THPT công lập cũng là nhân tài, nhưng ít ra tại thời điểm này, các em đó có học lực tốt hơn, năng lực cao hơn những học sinh khác, nên hoàn toàn xứng đáng. Rõ ràng, đây là kỳ thi cạnh tranh so điểm ai cao hơn, hết sức công bằng và xã hội cũng không chỉ có một kỳ thi này.
Tôi cho rằng, nguyên nhân đầu tiên khiến học sinh trượt lớp 10 công lập là chưa lượng đúng sức mình. Nếu biết mình biết ta, lựa chọn trường phù hợp với năng lực bản thân, thay vì đua vào trường top đầu - nơi tỷ lệ chọi rất cao và quy tụ nhiều em học giỏi, dẫn đến việc không thể cạnh tranh nổi.
Nguyên nhân thứ hai là tâm lý "học tài thi phận". Tôi thấy rất buồn cười khi nhiều người không đạt ý nguyện thường đổ tại kém may mắn, cho rằng bất công vì mình không gặp may. Một học sinh muốn thi đỗ không thể chỉ trông chờ vào may mắn như thế mãi được vì cả Toán và Văn đều là môn tự luận chứ không phải trắc nghiệm, do đó học sinh phải thực sự có năng lực mới được điểm cao. Mà đề thi năm nay rõ ràng là vừa sức để đạt điểm khá, chỉ có vài câu phân loại cực khó, nên không thể đổ lỗi cho các yếu tố khách quan.
Tóm lại, tôi cho rằng kỳ thi vào 10 là cần thiết để phân loại người học. Cái cần thay đổi ở đây chính là tư tưởng của học sinh và phụ huynh, sẵn sàng chấp nhận khi con em mình thi trượt trường công lập để chuyển sang các hướng đi khác phù hợp hơn với năng lực của bản thân.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.