Sau khi đọc bài viết "Xã hội thi cử" của tác giả Nguyễn Anh Thi và nhiều bình luận của các độc giả, tôi xin nêu một số ý kiến của mình như sau:
Con tôi cũng thuộc dạng ham chơi, và tôi cùng chồng không muốn ép con học quá sức. Con thích học gì thì học, nhưng khổ nỗi con không thích học gì cả, chỉ thích chơi. Nhiều khi hai vợ chồng tôi cũng tranh cãi rất nhiều về việc dạy con. Và tôi đã nghĩ khá nhiều về tương lai của con mình, tự hỏi với năng lực như thế, sau này lên cấp ba, con phải học ở đâu đây?
Và tôi đã tính đến hai phương án:
1. Nếu đến một thời điểm nào đó, bỗng nhiên con tôi có động lực học, có một đam mê gì đó, lúc đó việc mà tôi cần chỉ là đảm bảo cho con có đủ tiền học phí để theo đuổi con đường học vấn. Tôi luôn quan niệm rằng, lúc con còn nhỏ đừng đòi hỏi chúng phải có mục tiêu phấn đấu. Trẻ đang tuổi ăn, tuổi chơi, lấy đâu ra mục tiêu 5 năm, 10 năm hay kế hoạch dài hạn gì đó. Nếu có cũng chỉ là bắt chước "con nhà người ta" mà thôi. Nên chúng tôi nói với con cứ từ từ, thoải mái, tuổi thơ là niềm vui và kỷ niệm chứ không phải là gánh nặng và áp lực.
Nhưng nếu không may, đến cấp ba rồi mà con vẫn chưa có đam mê, thì tôi sẽ để con học một trường đại học ngoài công lập - nơi đảm bảo cho con có cơ hội làm việc ngay sau khi ra trường. Tất nhiên, học phí từ cấp ba đến Đại học chắc cũng không phải là một con số nhỏ. Nhưng tôi phải cố gắng thôi chứ không còn cách nào khác.
>> 'Nếu trượt cấp ba, con tôi không biết làm gì'
2. Nếu tôi không đủ tiền, và con không đủ khả năng thì sao? Tôi sẽ cho con học ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên - nơi chương trình học được tinh gọn lại cho phù hợp với năng lực của các em. Một buổi học kiến thức phổ thông, một buổi học Ngoại ngữ. Với ba năm học ngoại ngữ liên tiếp ở một trung tâm chất lượng, mong rằng khả năng ngoại ngữ con sẽ cải thiện. Thời gian rảnh còn lại, con có thể chơi thể thao để phát triển ngoại hình và chiều cao. Ít nhất, với ngoại hình cân đối, khỏe khoắn, ngoại ngữ giao tiếp tốt... chắc con sẽ dễ xin việc hơn một chút.
Là cha mẹ, có ai không mong con mình thành tài? Nhưng đôi khi, thành hay bại còn phụ thuộc vào năng lực của con nữa. Giỏi thì làm thầy, chưa giỏi thì làm thợ, làm thợ giỏi rồi sẽ lại làm thầy... Quan trọng là con có mục tiêu, có nghị lực thôi.
Và nói điều này, có thể nhiều bạn sẽ bảo tôi "dở hơi", nhưng tôi dự định, sau khi học xong cấp ba, tôi sẽ cho con đi nghĩa vụ quân sự. Thực ra không phải tôi không yêu thương con mình, nhưng chính sự bao bọc quá nhiều của cha mẹ lại khó rèn luyện cho con cứng cáp. Môi trường quân đội sẽ rèn luyện cho con sự trách nhiệm, sức khỏe, kỷ luật, ngăn nắp, nghị lực, chuẩn mực, không ngại khó khăn...
Chẳng lẽ chúng tôi không dạy được con hay sao? Dạy được chứ. Nhưng chồng tôi từng đi học quân sự tại một trường quân đội và tôi cũng vậy. Chỉ cách sắp xếp giường ngủ thôi cũng đã có sự khác biệt rất nhiều, chứ đừng nói chi đến những việc khác. Nếu bạn là nhà tuyển dụng, bạn có tuyển con tôi hay không?
Dù rằng con tôi chưa giỏi nhưng có ngoại hình, có sức khỏe, ngoại ngữ khá, có trách nhiệm, có kỷ luật, sống ngăn nắp, có nghị lực, tác phong chuẩn mực, không ngại khó khăn... và tất nhiên có một bằng cấp Đại học (rất nhiều Đại học giờ chỉ xét điểm học bạ, mà điểm học bạ của mấy em học GDTX đôi khi còn cao hơn mấy em trường chuyên, lớp chọn).
Nói gì thì nói, dù tương lai có thế nào thì giờ vợ chồng tôi cũng phải nỗ lực kiếm tiền để ít nhất có thể làm chỗ dựa cho con. Con cố gắng một thì ba mẹ cũng phải cố gắng gấp đôi. Con người ta là vậy đó, có mục tiêu thì mới có động lực để cố gắng... Cuộc sống đâu có ai là dễ dàng. Quan trọng gia đình hạnh phúc, vui vẻ, bình an bên nhau là được rồi.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.