(Bài Ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Ở các nước, thi đại học có thể không có, nhưng thi tốt nghiệp THPT luôn là bắt buộc. Thi đại học chỉ là kiểm tra trình độ đầu vào của đại học, không có bằng cấp nào để xác nhận "trình độ đầu vào" ấy. Trong khi đó, không phải ai tốt nghiệp THPT cũng có đủ điều kiện để thi và học đại học ngay. Hầu hết, học sinh tốt nghiệp THPT của nước ngoài hoặc phải tham gia các công tác xã hội, hoặc phải đi làm những công việc đơn giản để có kinh nghiệm xã hội, sau đó mới thi đại học. Các ngành nghề như kỹ thuật công nghệ, y dược, sinh hóa thường phải thi đầu vào. Những ngành khác không phải thi – chỉ thi để giành học bổng.
Bằng tốt nghiệp THPT ở nước ngoài rất quan trọng bởi gần như nằm trong mọi thủ tục hành chính của một cá nhân. Muốn thi đại học, muốn xin việc làm, phải có bằng tốt nghiệp THPT - là điều kiện tối thiểu về học vấn. Chẳng có thủ tục hành chính nào yêu cầu người ta phải có "bằng" thi vào đại học. Những bằng cấp có giá trị pháp lý là bằng tốt nghiệp THPT, tốt nghiệp đại học, tốt nghiệp cao học. Còn thi vào đại học (bất kể rớt hay đậu) không có giá trị pháp lý.
>> 'Trường quốc tế không dạy để thi đại học'
Bỏ thi tốt nghiệp THPT là một trong những câu chuyện đau đầu nhất mà tôi từng nghe. Bằng tốt nghiệp THPT của Việt Nam có lẽ là bằng cấp duy nhất được quốc tế công nhận. Người ta công nhận chủ yếu vì tính hàn lâm của nó – có thừa kiến thức để thi vào mọi đại học của họ, chỉ còn vấn đề ngoại ngữ nữa là hoàn tất.
Học sinh Việt khi học phổ thông ở nước ngoài thường học rất giỏi (về mặt điểm số) nhưng khi học đại học thì "biến mất" hết. Nguyên nhân là do văn hóa của ta không hợp với họ, hoặc cách dạy – học của họ không phù hợp với văn hóa của ta. Vài chục năm trước, phương Tây đã đưa các phương pháp dạy và học ở đại học vào phổ thông từ lớp 1. Cách học cũ là học sinh thụ động nghe thầy cô giảng bài và chấp nhận mọi cái thầy cô truyền đạt. Cách học mới là tương tác hai chiều giữa người dạy và người học, trong đó thầy cô chỉ làm công việc hướng dẫn, học sinh hiểu bài đến đâu do tự chúng đào sâu được bao nhiêu. Cách học mới này giúp học sinh có tư duy độc lập cao. Chúng có thể "bắt bẻ" thầy cô ngay trên lớp.
Đề thi hầu hết là đề "mở" – học sinh có quyền lật sách mở vở tra cứu tư liệu đủ kiểu – chủ yếu để đánh giá mức độ hiểu bài chứ không phải để đánh giá mức độ "nhớ lâu" như ở Viẹt Nam. Ví dụ, muốn phân tích nhân vật Chí Phèo, học sinh có ngay truyện ngắn "Cái lò gạch cũ" ở bên cạnh để đọc hết, nghiền ngẫm và chọn tư liệu để dẫn chứng đưa vào bài luận của mình. Đương nhiên, bài luận ấy, cũng là bài kiểm tra văn học, được làm ở nhà với thời gian 10 ngày đến nửa tháng chứ không phải là kiểm tra một tiết hay 90 phút như ở Việt Nam.
>> Tôi lỡ cơ hội Đại học vì thay đổi phương án thi THPT
Chương trình phổ thông của họ cũng nặng chẳng kém Việt Nam, nhưng cái nặng ấy là nặng về tư liệu tham khảo còn ở chúng ta lại nặng về bài tập về nhà và bài tập trên lớp, rất tủn mủn, vụn vặt, không thành hệ thống. Thi cử của họ là thi trắc nghiệm và làm tiểu luận. Lớp 12 học bao nhiêu môn thì thi tốt nghiệp THPT bấy nhiêu môn, trừ môn Văn làm tiểu luận ra, các môn khác đều có trong 100 câu hỏi trắc nghiệm chung. Làm tiểu luận không phải là thi Văn mà là dùng mọi kỹ năng của môn Văn đã được học để viết về một chủ đề nào đó ngoài xã hội, chủ đề do học sinh tự chọn.
Tốt nghiệp THPT không khó, đậu điểm cao mới khó. Mà cái điểm cao này thường rơi vào bài tiểu luận kia. Không có kinh nghiệm công tác xã hội, chỉ dựa vào tư liệu tham khảo, điểm tiểu luận thường không cao. Họ không có các kỳ thi từ lớp 5 lên lớp 6, không có thì từ lớp 9 lên lớp 10. Bằng tốt nghiệp tiểu học không thể xin được việc làm vì chưa đủ tuổi công dân, sử dụng lao động vị thành niên là vi phạm luật pháp quốc tế.
100 câu hỏi trắc nghiệm có bốn đáp án A, B ,C, D để học sinh đánh dấu. Bốn đáp án này cũng chia ra thành: một câu đúng hoàn toàn (đạt điểm tuyệt đối), hai câu đúng nhưng không hoàn toàn (đạt điểm "đậu") và một câu sai (0 điểm). Các trường đại học dựa vào điểm thi tốt nghiệp để tuyển học sinh. Trường nào cần kiến thức Toán, Lý, Hóa vượt trội, đòi hỏi học sinh phải đạt điểm tuyệt đối ở những câu trắc nghiệm Toán, Lý, Hóa... Thông thường, các trường đại học của họ không có giới hạn tuyển sinh, kỳ thi vào đại học của họ chủ yếu để tranh chấp học bổng năm đầu, gồm: học bổng toàn phần (vài chục suất), học bổng bán phần (vài trăm suất). Còn lại, tất cả phải đóng học phí, trong đó học phí đại học cũng là một loại rào cản (trường càng danh tiếng học phí càng cao).
Ngay cả kỳ thi giành học bổng cũng lại là một bài tiểu luận nữa với chủ đề muôn thuở "Vì sao anh/ chị chọn ngành học này? Đặt trường hợp gì đó thì anh/ chị ứng xử ra sao?"... Thí sinh làm bài không cẩn thận, chưa nói đến chuyện tranh học bổng, có khi còn bị cấm vào học vì phát biểu của người thi có khi đi ngược lại với lương tâm đạo đức nghề nghiệp của ngành học.
Tóm lại, thi đầu vào đại học có thể bỏ, hoặc hình thức thi như thế nào tùy hoàn cảnh, nhưng thi tốt nghiệp THPT không thể bỏ được. Đừng để vài năm sau, xảy ra trường hợp ai đó học lấy bằng cao học tiến sĩ gì đó nhưng lại không có bằng tốt nghiệp THPT trong tay.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Lâm