Mối quan hệ giữa tiểu đường và trầm cảm
Đái tháo đường (tiểu đường) là bệnh rối loạn chuyển hóa trong cơ thể với biểu hiện lượng đường trong máu luôn ở mức cao hơn so với bình thường. Bệnh xảy ra do cơ thể thiếu hụt việc tiết ra insulin, do đề kháng với insulin hoặc cả hai nguyên nhân này. Theo ước tính của Bộ Y tế, đến năm 2045, Việt Nam có khoảng 6,3 triệu người mắc đái tháo đường.
Thạc sĩ, Bác sĩ Trần Nguyễn Quỳnh Trâm, khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho biết, người bệnh tiểu đường luôn đối mặt với sự thay đổi hormone và tâm lý sinh học trong cơ thể. Người bệnh thường lo lắng về các biến chứng võng mạc, bệnh thần kinh, suy thận... nên các thói quen sinh hoạt trước đây bị đảo lộn.
Chế độ ăn uống kiêng khem nghiêm ngặt để kiểm soát lượng đường trong máu cũng khiến tinh thần người bệnh bị ức chế. Trong khi đó, ăn uống lại là nhu cầu cần thiết của con người, không chỉ cung cấp dinh dưỡng mà còn mang đến sự thoải mái, hưởng thụ niềm vui hay giải tỏa nỗi buồn, khó chịu.
Bác sĩ Quỳnh Trâm chia sẻ thêm, tất cả các vấn đề biến chứng, chế độ ăn và sự thay đổi hormone trong cơ thể đều ảnh hưởng đến tâm lý của bệnh nhân, nếu không được quan tâm đúng mức có thể phát triển thành bệnh trầm cảm. Bệnh tiểu đường tuýp 2 thường xảy ra ở người lớn là do thiếu hụt insulin dẫn đến rối loạn chuyển hóa đường (glucose). Trong khi những người trầm cảm lại thường ít hoạt động, dễ tăng cân nên tình trạng rối loạn chuyển hóa đường sẽ nghiêm trọng hơn.
![Bệnh nhân tiểu đường bị trầm cảm dễ khiến các biến chứng nặng hơn. Ảnh: Shutterstock](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2022/04/07/tramm-cam-9574-1649310183.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=uq2RmJRhE_w_7NN4vfB6BA)
Bệnh nhân tiểu đường bị trầm cảm dễ khiến các biến chứng nặng hơn. Ảnh: Shutterstock
Người bị tiểu đường khi đã bị trầm cảm thì dễ khiến các biến chứng tiểu đường nặng hơn. Các biến chứng điển hình là biến chứng ở mắt (suy giảm thị lực, tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể, mù lòa), biến chứng tim mạch (tăng mỡ máu, cao huyết áp, xơ động mạch ngoại vi), biến chứng thần kinh (cảm giác đau, tê, nóng ở chân, nhịp tim và nhịp thở bất ổn định, hay tiết mồ hôi), biến chứng thận (suy giảm chức năng lọc của thận, thậm chí suy thận), biến chứng nhiễm trùng, hạ đường huyết, hôn mê...
Chăm sóc bệnh nhân tiểu đường mắc trầm cảm
Điều trị trầm cảm ở bệnh nhân mắc tiểu đường cần thực hiện nhiều phương pháp phối hợp. Mỗi người bệnh sẽ phù hợp với từng phương pháp khác nhau. Bệnh nhân tiểu đường mắc trầm cảm nhẹ có thể tăng cường các hoạt động thể chất để cải thiện tâm trạng và kiểm soát đường huyết. Bên cạnh đó, các bác sĩ sẽ phối hợp với biện pháp chăm sóc y khoa và điều trị tâm lý, giáo dục sức khỏe trên từng bệnh nhân.
![Bệnh nhân trầm cảm cần được quan tâm chăm sóc về tinh thần. Ảnh: Shutterstock](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2022/04/07/tram-cam-2-7948-1649310183.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=LcLvFnh1bg1qvlP__JpWyA)
Bệnh nhân trầm cảm cần được quan tâm chăm sóc về tinh thần. Ảnh: Shutterstock
Bác sĩ Quỳnh Trâm chia sẻ thêm, riêng với người bị trầm cảm nghiêm trọng hơn, bác sĩ sẽ kê các đơn thuốc làm dịu triệu chứng trầm cảm. Thông thường, thuốc chống trầm cảm mất từ 7 đến 21 ngày mới phát huy tác dụng. Do đó, bệnh nhân không được tự ý ngưng thuốc nếu không có chỉ định của bác sĩ. Người bệnh được bác sĩ thực hiện vật lý trị liệu, tâm lý trị liệu để cải thiện vấn đề giao tiếp
Khi có dấu hiệu nghi ngờ như: buồn quá 2 tuần, thay đổi bất thường các thói quen thường ngày... người bệnh tiểu đường nên đi khám bác sĩ để sớm kiểm soát tình trạng bệnh. Người bệnh cũng cần tích cực tham gia các hoạt động xã hội, luyện tập thể thao, ăn uống lành mạnh, kiểm tra sức khỏe định kỳ.
Nguyễn Trăm
Trầm cảm là căn bệnh phổ biến trong xã hội hiện đại. Các nguyên nhân dẫn đến trầm cảm thường là tâm lý bị tổn thương, căng thẳng lâu dài, người bệnh gặp phải các biến cố lớn trong cuộc sống. Bác sĩ Quỳnh Trâm cho biết, ít ai biết tiểu đường cũng là một trong những nguyên nhân gây nên trầm cảm. Nhiều người vẫn nhầm lẫn giữa trầm cảm và buồn bã dẫn đến bệnh trầm cảm kéo dài, gây khó khăn cho quá trình điều trị.
Nếu một người có các dấu hiệu dưới dây trong suốt hơn 2 tuần lễ, có thể bạn đã bị trầm cảm: thường luôn cảm thấy buồn, xuống tinh thần hay khổ sở, mất vui thú trong hầu hết các hoạt động thường lệ. Người có các hành vi, suy nghĩ như: không chịu ra ngoài, tránh tiếp xúc với gia đình, bạn bè, không tập trung; nghĩ mình thất bại, nghĩ mình không gặp gì tốt lành, nghĩ đời không đáng sống, buồn, khóc; cơ thể lúc nào cũng mệt mỏi, kiệt sức, bụng nôn nao, rối loạn giấc ngủ, giảm cân đột ngột.