Bà được chẩn đoán suy thận mạn giai đoạn cuối 4 năm nay, phải chạy thận nhân tạo. Nhà chỉ có bà và con trai. Để có thời gian đưa mẹ đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM chạy thận 3 lần mỗi tuần, anh Luân, 40 tuổi, xin đổi lịch làm việc ban ngày sang buổi tối. Những ngày chạy thận, anh kết thúc ca làm việc lúc 6h, về nhà chở mẹ đến viện. Trong khi mẹ chạy thận thì anh ngồi bên ngoài tranh thủ chợp mắt đến 11h đón mẹ về.
"Tôi trở thành gánh nặng của con", bà Mai chia sẻ hôm 27/8, thừa nhận là ít nói hẳn, ủ rũ, mệt mỏi, chán nản, ăn uống kém, cân nặng dần sụt giảm. Nhiều lần bà đề nghị với con trai ngừng chạy thận để đỡ tốn kém, vất vả.
Tương tự, ông Kiên, 50 tuổi, chạy thận 6 tháng nay, vào các buổi chiều thứ 2, 4, 6 hàng tuần. Mặc cảm bệnh tật khiến ông ngại trò chuyện, mất dần hứng thú với sở thích đọc sách và làm vườn, rồi mất ngủ, luôn lo lắng, suy nghĩ về cái chết. "Nghĩ đến cả đời sau này phải gắn chặt vào máy chạy thận, chẳng làm được việc gì, tôi thấy bế tắc", ông nói.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính khoảng 280 triệu người bệnh trầm cảm trên toàn cầu. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó nhóm nguyên nhân liên quan đến các bệnh mạn tính như suy thận có chiều hướng gia tăng. Một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Thận Quốc tế, với gần 56.000 người tham gia, cho thấy 22,8% người bệnh thận mạn giai đoạn cuối, cần chạy thận, bị trầm cảm.
Tại Việt Nam, suy thận là một trong các bệnh mạn tính thường gặp với khoảng 10 triệu người mắc, chiếm khoảng 10% dân số. BS.CKI Mạch Thị Chúc Linh, Đơn vị Thận nhân tạo, khoa Nội thận - Lọc máu, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết nơi đây có khoảng 50 người đang chạy thận, trong đó 50% có biểu hiện rối loạn lo âu, 10-20% có biểu hiện trầm cảm, phần lớn trên 60 tuổi.
Suy thận mạn giai đoạn 5 là giai đoạn cuối của bệnh thận mạn. Chức năng lọc máu của thận giảm nghiêm trọng không phục hồi. Phần lớn người bệnh cần lọc máu (chạy thận nhân tạo) để duy trì sự sống trong quãng đời còn lại hay ổn định sức khỏe đến khi được ghép thận.
Theo bác sĩ Linh, khi biết mắc suy thận giai đoạn cuối, hầu hết người bệnh đều sốc, hoang mang. Họ trở nên ít nói hoặc ngại giao tiếp với người xung quanh, mặc cảm, có xu hướng tự cô lập. Tình trạng trầm cảm càng dễ xảy ra ở nhóm bệnh nhân lớn tuổi, phụ thuộc người nhà đưa đón đi chạy thận, con cái bận rộn ít có điều kiện lắng nghe, chia sẻ, tâm sự với cha mẹ.
Trầm cảm và suy thận mạn có mối liên hệ hai chiều. Người bệnh phải chạy thận nhân tạo lâu dài dễ phát sinh mặc cảm, suy nghĩ tiêu cực, hệ quả dẫn đến trầm cảm. Mặt khác, trầm cảm tác động tiêu cực đến tâm trạng, động lực sống, tinh thần chiến đấu chống lại bệnh tật, khiến người bệnh có xu hướng bỏ cuộc hoặc không tuân thủ đúng phác đồ điều trị, làm bệnh diễn tiến xấu hơn.
"Nhiều người nghĩ điều trị bệnh cả đời không khỏi, tốn kém chi phí, ăn uống phải kiêng khem, phiền người nhà chăm sóc nên chán nản, bỏ điều trị, thậm chí nghĩ đến cái chết", bác sĩ Linh nói.
Trong trường hợp này, bác sĩ và gia đình phải cùng phối hợp giúp người bệnh ổn định tâm lý, an tâm điều trị, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe và hiệu quả chạy thận.
Như trường hợp bà Mai, khi nhận ra dấu hiệu trầm cảm của bệnh nhân, bác sĩ Linh trao đổi với bác sĩ nội thần kinh, các chuyên gia tâm lý và người con trai để hỗ trợ tinh thần bà bằng nhiều cách. Song song những đợt trị liệu tâm lý và chạy thận, bác sĩ Linh dành thời gian đến giường bệnh nói chuyện, hỏi thăm bà Mai. Trong khi đó, anh Luân sắp xếp thời gian ăn cơm chung, tâm sự cùng mẹ, giúp bà tháo gỡ gánh nặng tâm lý.
Thời gian đầu, bà từ chối nói chuyện, chỉ gật hoặc lắc đầu khi bác sĩ hỏi han. Sau một năm phối hợp trị liệu, tinh thần bà dần chuyển biến tích cực, mở lòng chia sẻ, không còn suy nghĩ muốn bỏ chạy thận. Ngoài thời gian điều trị, bà tham gia các hoạt động phong trào dành cho người lớn tuổi.
"Còn được chạy thận để tiếp tục cuộc sống là một may mắn nên tôi không muốn bỏ cuộc, phụ công chăm sóc của con", bà nói.
Với ông Kiên, ngoài đề nghị điều trị về tâm lý, bác sĩ Linh khuyến khích người thân trò chuyện với ông nhiều hơn. Bác sĩ Linh động viên ông sắp xếp thời gian linh hoạt để làm việc hay đi du lịch với gia đình xen kẽ lịch chạy thận.
Sau ba tháng, tinh thần ông Kiên có chuyển biến tích cực. Ông nói cười nhiều hơn với người thân, điều dưỡng, bác sĩ và người bệnh cùng ca chạy thận. Ông cũng chuyển sang công việc mới phù hợp với điều kiện sức khỏe, lịch chạy thận. Nhờ tuân thủ phương án điều trị, chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi bác sĩ đưa ra nên sức khỏe, khí sắc của ông cải thiện.
Bác sĩ Chúc Linh khuyên người thân cần quan tâm hơn đến sức khỏe tinh thần của người bệnh suy thận mạn. Nên đồng hành, lắng nghe, chia sẻ, tâm sự, động viên tinh thần, theo dõi việc điều trị tại nhà... để giúp người bệnh bớt cảm giác tủi thân, tránh cô lập, giữ tinh thần lạc quan, tăng hiệu quả điều trị.
Cần đưa người bệnh đi khám sớm khi xuất hiện các dấu hiệu rối loạn lo lâu như hoảng loạn, sợ hãi, khó ngủ, mất ngủ triền miên, dễ nổi nóng, chán ăn... để có biện pháp hỗ trợ tâm lý phù hợp. Tránh để lâu, rối loạn lo lâu diễn tiến sang trầm cảm, khiến việc điều trị, giúp người bệnh trở lại cuộc sống bình thường khó khăn hơn.
Bác sĩ cũng khuyến khích người bệnh chia sẻ những vấn đề sức khỏe, suy nghĩ cá nhân với người thân, bác sĩ, điều dưỡng, tham gia các hoạt động xã hội, tuân thủ hướng dẫn điều trị... để cải thiện chất lượng cuộc sống và sức khỏe tinh thần.
Thắng Vũ
*Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh thận tại đây để bác sĩ giải đáp |