Đường vào mạch máu là đường kết nối mạch máu với máy chạy thận nhân tạo. BS.CKII Hồ Tấn Thông, khoa Nội thận - Lọc máu, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết đây là "tuyến đường sống còn" đối với người bệnh chạy thận nhân tạo vì có nhiệm vụ lấy đi các chất độc, chất dư thừa trong máu, ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.
Tùy vào tình trạng sức khỏe và tình huống lọc máu, bác sĩ chỉ định đường mạch máu vào phù hợp cho mỗi bệnh nhân, bao gồm:
Cầu nối động tĩnh mạch tự thân (AVF): Đây là đường vào mạch máu chạy thận lý tưởng cho người bệnh suy thận mạn, cần chạy thận nhân tạo lâu dài.
Ở phương pháp này, tĩnh mạch được nối vào động mạch (tại cánh tay), tạo thành đường lưu thông máu từ động mạch sang tĩnh mạch về tim. Điều này giúp lưu lượng máu đi qua tĩnh mạch tăng lên, cải thiện sức mạnh của thành tĩnh mạch, đặt kim lọc máu dễ dàng hơn và có thể lặp lại nhiều lần. Cầu nối động tĩnh mạch tự thân là đường vào mạch máu chạy thận có độ bền cao nhất và ít có nguy cơ nhiễm trùng, hình thành cục máu đông tắc nghẽn thấp.
Cầu nối động tĩnh mạch bằng ống ghép mạch máu nhân tạo (AVG): Trường hợp mạch máu của người bệnh quá nhỏ hoặc đã phẫu thuật AVF thất bại, phương pháp tạo cầu nối động tĩnh mạch bằng ống ghép mạch máu nhân tạo sẽ được lựa chọn.
Bác sĩ đặt một ống mạch máu nhân tạo luồn bên dưới da cánh tay của người bệnh. Một đầu ống nối với động mạch, đầu còn lại nối với tĩnh mạch. Sau phẫu thuật ít nhất hai tuần, người bệnh mới có thể chạy thận nhân tạo thông qua cầu nối này, do cấy ghép vật liệu bên ngoài nên cầu nối nhân tạo có nguy cơ nhiễm trùng, hình thành cục máu đông cao hơn so với cầu nối tự thân. Ống ghép này có thể hoạt động nhiều năm nếu người bệnh bảo vệ tốt.
Ống thông tĩnh mạch trung tâm (catheter): Phương pháp này được chỉ định trong những tình huống người bệnh suy thận đột ngột, cần lọc máu khẩn cấp trong khi AVF hay AVG chưa ổn định để chạy thận hoặc những người tổn thương thận cấp cần chạy thận nhân tạo tạm thời.
Bác sĩ đặt một ống thông vào trong lòng tĩnh mạch lớn ở cổ hoặc ở đùi của người bệnh (có thể thực hiện dưới sự hướng dẫn của siêu âm). Catheter được rút bỏ khi các cầu nối động tĩnh mạch đủ điều kiện để chạy thận.
Dù chạy thận thông qua đường vào mạch máu nào, người bệnh cũng cần giữ vệ sinh sạch sẽ và khô ráo, rửa tay bằng xà phòng hoặc cồn y tế trước khi chạm vào. Tránh áp lực lớn hay chấn thương ở cánh tay đặt cầu nối như xách vật nặng, ngủ đè lên, va chạm, trầy xước... Tuyệt đối không truyền dịch, lấy máu, đo huyết áp; không đeo đồng hồ, vòng tay tại bên tay đặt cầu nối.
Bác sĩ Tấn Thông khuyến cáo người chạy thận cần tuân thủ đúng theo hướng dẫn chăm sóc cầu tay chạy thận từ bác sĩ. Nếu phát hiện bất kỳ bất thường nào, người bệnh cần đến bệnh viện để kịp thời khắc phục.
Thắng Vũ