Vấn nạn bia, rượu hiện nay đang trở thành một thực trạng rất nhức nhối ở Việt Nam. Rượu đã có từ ngàn đời nay với người Việt, nó ăn sâu vào tiềm thức và len lỏi vào từng ngõ ngách, đời sống người dân từ bao đời nay. Rượu, bia đã là một thức uống không thể thiếu với mỗi gia đình Việt. Khi vui người ta cũng uống bia, rượu để ăn mừng; khi buồn người ta cũng tìm đến rượu, bia như một cách giải sầu.
Thực ra, rượu, bia không có lỗi, lỗi nằm ở cách chúng ta sử dụng chúng ra sao mà thôi. Theo quan điểm của tôi, hiện nay vấn nạn rượu, bia thực sự đã rất báo động. Nó xuất hiện ở mọi ngành nghề, công việc, mọi lĩnh vực của đời sống, từ thành thị đến nông thôn, từ cơ quan nhà nước đến doanh nghiệp tư nhân. Hỷ, nộ, ái, ố... người ta đều thấy có mặt của rượu, bia.
Tôi vừa về dự đám cưới của một người họ hàng ở dưới quê. Thú thật, tôi thấy rất sợ hãi với "văn hóa" rượu, bia còn tồn tại ở đây. Trong mâm cỗ, già, trẻ, trai, gái thi nhau nốc bia, rượu như uống nước lã, thậm chí đổ cả lên người nhau như tắm. Lúc đã say, họ ôm nhau, nhảy nhót, hát hò. Dần dần, mọi thứ biến thành gào thét, rồi chứi bới, lăng mạ nhau. Khi máu đã nổi lên, họ chuyển sang ẩu đả, đánh lộn, thương tích đầy mình.
Lớp trẻ thiếu hiểu biết, bồng bột, nên uống "quên mình" như vậy đã đành. Đằng này, ngay cả lớp trung niên cũng chẳng khá gì hơn. Nhiều người mới 40 tuổi mà nhìn đã hom hem, ốm yếu cũng chỉ vì nhậu nhẹt tối ngày. Cứ vài ngày, tôi lại đi thăm vài người quen ốm bệnh. Phần lớn họ mới ngoài 50 tuổi nhưng bệnh tật đã đầy người, đến khi nằm một chỗ, dây dợ đầy người, có hối hận cũng không kịp nữa rồi.
>> Trả giá vì 'nát rượu để nhiều bạn bè'
Chuyện đời sống văn hóa đã vậy, trong công việc bây giờ, rượu, bia cũng trở thành một phần không thể thiếu. Với khối hành chính và doanh nghiệp, tôi gặp nhiều người vì không uống được bia, rượu mà con đường thăng tiến gặp nhiều khó khăn, trắc trở. Khi mà công việc đều được bàn bạc và thảo luận tại bàn nhậu, việc bạn không uống được bia, rượu chẳng khác nào thiếu năng lực để làm việc.
Có nhiều bạn công chức than thở với tôi rằng "công việc áp lực quá", nhưng chủ yếu ở đây là áp lực chuyện nhậu nhẹt và tiếp khách. Thế nên, họ muốn bỏ nghề để ra ngoài cho tự do và đỡ phải say xỉn tối ngày. Tôi cũng đọc được có bài viết rằng "nhân viên bị đuổi việc vì không biết nhậu nhẹt và không biết nịnh sếp tuy năng lực của bạn nhân viên đó rất giỏi". Đó là một thực tế rất đáng buồn.
Tôi nhận thấy, ở nước ta, việc mua đồ uống có cồn rất dễ dàng. Đồ uống có cồn được bán tràn lan khắp nơi, giá thì rất rẻ, vì chẳng cần nhẫn mác, thương hiệu, nguồn gốc xuất xứ gì. Chất lượng rượu, bia cũng năm bảy loại vì không thể kiểm định hết. Ngay cả một đứa trẻ ba, bốn tuổi cũng có thể cầm tiền đi mua bia, rượu về cho cha chú, nên chẳng lạ khi ma men nhan nhản ở khắp nơi.
Tuổi thọ trung bình của người Việt là 73, nhưng tuổi sống khỏe thực tế chỉ là 64 hoặc thấp hơn. Đấy là những thông tin khiến chúng ta phải nghiêm túc nhìn nhận lại những tác hại của rượu, bia đến sức khỏe và đời sống của người Việt. Từ những vấn đề trên, tôi mong rằng các cơ quan chức năng cần làm quyết liệt vấn đề quản lý và sử dụng rượu bia càng sớm càng tốt.
Đã đến lúc chúng ta phải siết chặt việc buôn bán rượu, bia, giống như những nước xung quanh ta đang làm: đánh thuế rượu, bia và thuốc lá thật cao; quy định chặt chẽ việc độ tuổi được mua và sử dụng đồi uống có cồn; phát hiện và xử nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm. Đó là cách để chúng ta giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của rượu, bia và để người Việt có được một cuộc sống lành mạnh nhất.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.