Tháng ba vừa qua, tôi mới phải về quê chịu tang chú. Ông nghiện rượu và ra đi sau khi bị nhiễm trùng ổ bụng. Các đồng nghiệp của tôi phát hiện ông bị xơ gan do uống rượu, khi đi khám đã quá muộn. Cùng ngày, một giáo viên trung niên trong thôn cũng tử vong vì rượu sau nhiều năm nghiện chất cồn.
Nỗi đau dường như quá lớn khi một ngày, làng tôi mất đi hai người đàn ông mà lẽ ra ở tuổi đó, họ vẫn đang lao động. Quê tôi là một làng trung du miền Bắc, có những người còn trẻ nhưng đã bị gọi là "thằng nát rượu". Nát rượu gây ra nhiều bi kịch tang thương như tử vong do tai nạn giao thông, mất sức lao động, hàng xóm bất hòa, gia đình tan nát.
Việc sử dụng rượu bia tại Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng. Theo đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, chỉ trong 5 năm qua, tỷ lệ sử dụng rượu bia ở nam giới đã tăng từ 70 % lên 80,6 %; ở nữ tăng từ 6 % lên gần 12 %. Mức tiêu thụ rượu, bia cũng tăng từ 3,8 lít cồn nguyên chất bình quân đầu người (năm 2010) lên 8,3 lít (năm 2016).
Ở nhiều làng quê Việt Nam, mỗi khi có đám ma chay, cưới hỏi, hội hè, giao lưu, gặp mặt, ta có thể thấy lượng lớn rượu, bia được sử dụng. Và cùng với đó là tình trạng người say xỉn, cãi cọ, ẩu đả, thậm chí giết người.
Khi tới nhiều gia đình, tôi thấy rất ít nhà có tủ sách, nhưng không thể thiếu tủ rượu. Nhiều gia chủ say sưa mô tả về các loại rượu có trong nhà, đã ngâm bao lâu, ngâm với cây gì hay con gì? Và nếu có một vài chai rượu ngoại, họ có thể cho khách biết rượu này là dòng gì, nhập khẩu từ đâu, tuổi rượu bao nhiêu năm...?
Nghiện rượu, bia là tình trạng lệ thuộc vào chất uống có cồn với biểu hiện đặc trưng như thường xuyên thèm uống, lượng uống tăng theo thời gian, không thể tự kiểm soát lượng uống hay ngừng uống. Là một bác sĩ điều trị, tôi rất lo ngại vì sử dụng rượu, bia không đúng cách là thói quen nguy hại, dễ mắc mà khó bỏ. Ban đầu người ta uống vì chuyện vui, chuyện buồn; tự uống hay bị người khác khuyến khích, ép uống. Sự tiếp xúc thường xuyên làm con người dần thích uống, uống thường xuyên hơn với lượng tăng dần.
>> Người bản lĩnh không bao giờ để bị ép uống rượu bia
Tôi cho rằng, do nguồn cung bia, rượu ở Việt Nam đang quá dồi dào. Khác với nhiều nước châu Á, tại nước ta, rượu, bia luôn sẵn có và dễ tiếp cận ở mọi nơi. Từ thành phố lớn tới tận các thôn xóm xa xôi, các loại chất cồn từ sản xuất thủ công đến công nghiệp được bày bán với giá khá rẻ - nằm trong sức mua của hầu hết các hộ gia đình.
Trong khi đó, các quy định về kinh doanh, buôn bán, sử dụng rượu, bia gần như không đi vào cuộc sống. Ví dụ như quy định cấm bán rượu, bia cho người dưới 18 tuổi, nhưng thử hỏi có bao nhiêu người bán rượu, bia hỏi tuổi người mua? Có bao nhiêu trường hợp đã bị phạt vì vi phạm quy định này?
Căn nguyên tiếp theo là từ bên trong mỗi người. Tôi thấy ngày nay, nhiều người mải mê chạy theo những thứ được coi là thành công bề ngoài như tiền bạc, danh vọng, địa vị, mà ít chú ý phát triển một nội tâm vững mạnh. Khi có biến cố xảy ra trong đời, chính nội tâm yếu đuối đó đẩy họ tới rượu, bia để mong xoa dịu thực tại.
Nước ta đã có Luật Phòng chống tác hại của rượu bia và các văn bản dưới luật. Nghị định 100/2019 đã tác động tích cực, giảm tác hại của rượu, bia, đặc biệt trong giới tài xế. Tuy vậy, nạn nghiện rượu trong dân gần như không giảm, nhất là ở vùng nông thôn phía Bắc và miền Tây Nam bộ. Theo tôi, Nhà nước hoàn toàn có thể tăng các loại thuế đối với sản xuất và kinh doanh rượu, bia; tăng thêm chế tài quản lý các cơ sở sản xuất rượu, bia thủ công, nhờ đó có thể hạn chế bớt nguồn cung chất cồn.
Tôi cũng cho rằng vai trò của chính quyền địa phương rất quan trọng. Quy định trong hương ước, quy ước của làng xã, tổ dân phố, thôn bản có thể được xây dựng theo hướng khuyến khích dân chúng thay đổi thói quen, thậm chí quy định hạn chế hoặc không uống rượu, bia tại đám cưới, đám tang, lễ hội trên địa bàn. Khi các thành viên trong họ hàng, nội tộc, xóm làng nhắc nhở lẫn nhau, việc giảm lượng tiêu thụ rượu, bia cũng sẽ hiệu quả. Thay đổi thói quen của dân phải từ trong dân.
Cùng với đó, giáo dục trong nhà trường và gia đình nếu hình thành và duy trì được các thói quen lành mạnh như vận động, làm vườn, văn hóa văn nghệ, đọc sách... cũng sẽ góp phần giúp cải thiện nhận thức cộng đồng. Nhiều người trẻ hôm nay vẫn bị các bậc đàn anh, cha chú dạy rằng "uống được nhiều hơn người khác là giỏi", là "đáng mặt đàn ông". Thế nên, cứ hễ có dịp là họ luôn mời hay ép người khác uống cho "tới bến".
Khi mỗi người, từ những đứa trẻ hôm nay, hiểu rằng uống nhiều rượu, bia không phải là "anh hùng hảo hán" mà còn đáng xấu hổ, chắc chắn chúng sẽ thôi tin vào lý lẽ đã lạc hậu, rằng "nam vô tửu như kỳ vô phong".
Bác sĩ Nguyễn Anh Tú
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.