"Luật quy định độ cồn bằng "0" tuyệt đối gây quá nhiều phiền hà cho những người uống rượu, bia có điểm dừng, chưa tới ngưỡng say", tôi vẫn nghe đâu đó những lời than phiền như vậy về câu chuyện xử phạt vi phạm nồng độ cồn. Thực ra, có một thực tế mà nhiều người không hiểu, đó là độc tố của bia và rượu chỉ thấm từ từ, sau vài năm mới thấy hậu quả lên sức khỏe. Nhưng độc tố của bia, rượu sẽ tăng rất nhanh, có khi là ngay tức thì nếu bạn lái xe sau khi đã uống (dù chỉ một chén).
Việt Nam là một trong những quốc gia tiêu thụ rượu, bia nhiều nhất thế giới. Chúng ta đứng thứ hai khu vực Đông Nam Á, xếp thứ ba châu Á về mức tiêu thụ bình quân rượu bia trên đầu người. Trung bình, cứ ba nam giới Việt thì có một người uống ở mức nguy hại. Mức tiêu thụ rượu bia tính theo lít cồn nguyên chất bình quân đầu người (trên 15 tuổi) mỗi năm tại Việt Nam là 8,3 lít, tương đương với 1 người uống 170 lít bia mỗi năm. Tôi tự hỏi, liệu chúng ta có vui nổi không khi nghe những con số thống kê báo động như vậy?
Chẳng nói đâu xa, ngay tại thành phố Nha Trang quê hương tôi, chỉ cần bước chân ra bất cứ đường nào, dù trong hẻm hay ngoài phố, bạn cũng có thể nhìn thấy ngay loại quán kinh doanh phổ biến, đó là quán cà phê và quán nhậu. Đây là hai ngành hàng cực "hot" ở quê tôi, bởi đơn giản cung không đủ cầu. Thoạt nghe thì có vẻ rất vui cho nền kinh tế của địa phương, nhưng nghĩ một cách sâu xa, đây là một thực trạng đáng lo ngại.
Tỷ lệ khách du lịch vào quán cà phê và quán nhậu là không nhiều trên tổng lượng khách du lịch đến Nha Trang. Đa số còn lại toàn là dân địa phương đi nhậu. Cái tôi muốn nói đến ở đây chính là thói quen sử dụng rượu, bia một bộ phận lớn người lao động. Chúng ta đang dành quá nhiều thời gian cho việc uống bia, rượu, nhậu nhẹt tối ngày thay vì tập trung cho công việc.
Tất nhiên, tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc cấm buôn bán hay cấm uống rượu, bia, vì cấm cản là một phương án rất ấu trĩ, cho thấy sự bất lực của việc quản lý. Thứ tôi muốn nhấn mạnh là người dân của ta vẫn còn tư tưởng nhàn hạ. Nhìn cảnh quán cà phê từ sáng đến tối lúc nào cũng đông nghịt người, quán nhậu cũng không kém cạnh mỗi giờ tan sở, cá nhân tôi không thể thấy vui.
>> Độ cồn bằng 0 để thay đổi thói quen nhậu nhẹt
Trong khi đó, chỉ cần qua các nước láng giềng trong khu vực Đông Nam Á thôi chứ không cần đi đâu xa, việc bạn tìm được một quán cà phê hay quán nhậu cũng là chuyện không hề dễ dàng. Điều đó cũng giải thích vì sao mà năng suất lao động của người Việt vẫn còn có một khoảng cách rất xa so với các nước khác. Cụ thể, theo ước tính của ILO, năng năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn 7 lần so với Malaysia; 4 lần so với Trung Quốc; 3 lần so với Thái Lan, 2 lần so với Philippines và 26 lần so với Singapore.
Có thể thấy, việc quản lý kinh doanh và sử dụng rượu, bia ở nước ta vẫn đang bị buông lỏng. Thậm chí, một đứa bé ba tuổi cũng có thể dễ dàng cầm tiền đi mua rượu, bia cho cha, chú của nó. Đó rõ ràng là một điều rất khó chấp nhận được. Nếu không có biện pháp siết chặt việc kinh doanh rượu, bia, e rằng còn rất lâu nữa, người Việt mới có thể thay đổi được thứ hạng về mức tiêu thụ bia, rượu cũng như năng suất lao động trên trường quốc tế.
Bản thân tôi cũng là một người đàn ông bình thường. Nhưng thay vì tốn thời gian tụ tập bên bàn nhậu những bao người đàn ông khác, tôi chọn dành thời gian cho gia đình. Tính đến thời điểm này, tôi đã từ bỏ bia, rượu được gần 20 năm và mọi thứ vẫn hoàn toàn ổn, thậm chí là tốt hơn nhiều. Buổi tối, tôi có thể theo dõi bài vở của các con trong ngày, từ đó càng làm gắn kết hơn sợi dây yêu thương giữa các thành viên trong gia đình.
Tôi tin rằng, rượu, bia không phải thứ không thể thiếu trong đời sống con người. Uống bia, rượu không sai nhưng uống thế nào là đủ, và làm gì sau khi uống mới là điều quan trọng. Nó phụ thuộc vào ý thức và trách nhiệm của mỗi người trong xã hội.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.