Bố vợ tương lai của tôi (người mà trong năm nay tôi dự định sẽ kết hôn) đang vật lộn với căn bệnh xơ gan giai đoạn bốn quái ác. Tính ông hiền lành, siêng năng, thức khuya dậy sớm, tần tảo làm lụng nuôi con ăn học. Nhưng bệnh tình đang hành hạ ông quá nhiều. Sức khỏe ông suy giảm thấy rõ. Kể từ khi phát hiện bệnh, ông già đi nhiều so với độ tuổi 57 của mình. Tóc bạc hết cả. Cuộc sống vất vả khiến ông ít quan tâm đến sức khỏe của mình, tuy nhiên cũng không thể phủ nhận được rằng ông đã sử dụng quá nhiều rượu, bia khi còn trẻ.
Sau nhiều ngày điều trị tại bệnh viện tuyến tỉnh nhưng bệnh tình không suy giảm, tối qua xe cứu thương chuyển ông lên bệnh viện Chợ Rẫy. Tôi vào viện thăm, ông trông mệt nhoài và đau đớn. Nhưng ông không phải là trường hợp duy nhất trong hoàn cảnh như vậy. Đập vào mắt tôi là một bệnh viện Chợ Rẫy đông nghịt người, dù lúc ấy đã là nửa đêm. Thân nhân người bệnh nằm chen chúc nhau chật kín hành lang và các lối đi. Tôi rón rén nhẹ chân và đi thật chậm để tránh giẫm lên người họ. Nhìn những dáng hình khắc khổ ăn nằm vật vạ làm tôi không khỏi chạnh lòng.
Tôi tự hỏi tại sao người Việt lại đau ốm nhiều như vậy, hơn nữa bệnh nhân càng ngày càng trẻ? Có phải lối sống độc hại, mà điển hình là văn hóa ăn nhậu vô tội vạ đang làm hại chúng ta không? Khi chúng ta còn trẻ, chúng ta thường ít quan tâm đến sức khỏe của mình. Chúng ta không đổ bệnh ngay sau vài cuộc nhậu, nhưng độc tố sẽ tích tụ và phát bệnh nhiều năm sau đó.
Trong buổi tiệc tân niên của công ty, tôi không thể hình dung được rằng các cô em đồng nghiệp thường ngày trông rất duyên dáng và hiền lành lại có thể uống đến 10 lon bia mỗi người. Thậm chí, họ còn ép tôi phải uống cạn ly mới cho tôi ngồi xuống. Tất nhiên họ uống bao nhiêu là quyền của họ và việc uống nhiều bia cũng là không sai trái, nhưng nó hoàn toàn không ổn, ít nhất là cho bản thân họ và người xung quanh.
Từ lâu, tôi đã nói "không" với rượu, bia. Trong các buổi tiệc, tôi chỉ uống nhấp môi lấy lệ hoặc sẽ uống nước suối. Từ ngày ra trường, tôi đã tự hứa với bản thân mình rằng không bao giờ được đánh đổi sức khỏe để kiếm tiền. Không ai có thể ép tôi uống rượu, bia nếu như tôi không muốn. Cách sống như vậy làm tôi không được lòng một số lãnh đạo trong công ty và bản thân cũng không có nhiều bạn. Nhưng không sao, tôi vui và hài lòng với điều đó. Về quê ăn Tết, các anh trai, anh rể của tôi ăn nhậu ầm ĩ, còn tôi lặng lẽ đi rửa bát với chị em.
>> Quán nhậu tràn lan ở quê tôi
Tiếng còi xe cứu thương trong bệnh viện làm tôi nhớ về một kỷ niệm của mình. Sự việc xảy ra vào năm 2014, khi tôi thi đại học. Đêm hôm đó, tôi đang ôn bài đến 1h sáng thì một cơn đau bụng khủng khiếp xảy tới. Mẹ tôi vội cạo gió, cho tôi uống nước gừng, nhưng cơn đau vẫn không giảm. Tôi đau đớn quằn quại, mặt xám ngoét, tay chân bủn rủn, đứng không vững.
Tôi được chuyển sang bệnh viện huyện ngay sau đó. Các bác sĩ thăm khám, siêu âm nhưng không tìm ra bệnh. Thấy tôi đau đớn, bác sĩ chỉ định chuyển gấp lên bệnh viện tỉnh ngay trong đêm. Nằm trong xe cứu thương là một trải nghiệm đặc biệt mà cả đời tôi không bao giờ quên. Trong xe, thời gian và cuộc sống như dừng lại, chỉ có cơn đau là tiếp diễn. Bác sĩ cho tôi thở oxy, còn mẹ tôi cúi mặt lặng lẽ, không giấu được vẻ lo lắng.
Tôi tự hỏi, có khi nào hôm nay mình sẽ chết không? Nếu phải chết hôm nay thì có lẽ tôi sẽ buồn lắm, bởi tôi chưa sẵn sàng cho việc đó. Ngày kia tôi sẽ bước vào kỳ thi đại học, nhưng đau thế này thì làm sao mà thi được, mà biết có còn sống để đi thi không? Trong tôi cứ chất chồng những suy nghĩ như vậy suốt chặng đường đi cấp cứu. Tôi không chủ động khóc, nhưng nước mắt cứ vô thức chảy dài. Tôi quay mặt vào góc để mẹ không nhìn thấy. Rồi tôi gượng ngồi dậy, tranh thủ nhìn cảnh vật và những người đi xe máy ngược chiều bên ngoài, biết đâu ngày mai tôi sẽ chẳng còn được nhìn thấy họ nữa, tôi ước mình được tự do như họ.
Sau hai giờ ngồi trên xe cứu thương, tôi đến bệnh viện tỉnh. Bác sĩ lập tức siêu âm gấp. Họ kết luận ruột thừa tôi sắp vỡ và chỉ định mổ gấp. Bác sĩ nói tôi may mắn vì đến kịp, chứ chậm một chút nữa thì không biết hậu quả gì sẽ xảy ra? Tỉnh dậy trong phòng hồi sức tích cực sau ca mổ, tôi thấy mình còn sống. Tôi thầm cảm ơn cuộc đời vì vẫn còn được ở đây lúc này.
Tôi được ngủ một đêm trong bệnh viện, và chiều hôm sau, tôi đón xe từ Đăk Lăk vào Sài Gòn để đi thi. Tôi đi thi đại học khi vết mổ vẫn còn rướm máu (mẹ tôi phải ký cam kết để bệnh viện cho tôi xuất viện đi thi). Tôi nhịn đói suốt ba ngày sau đó và may mắn đậu đại học. Nhưng việc xuất viện sớm khi vết mổ chưa lành khiến ruột bị viêm trở lại và tôi phải nhập viện điều trị sau hai tháng. Cũng may vì tôi vẫn vượt qua cơn bệnh và con đường học hành không bị dở dang.
Những điều đã trải qua làm tôi thêm yêu cuộc sống và trân quý sức khoẻ của mình. Sức khoẻ là điều quan trọng nhất, mọi thứ trong cuộc sống này đều không còn ý nghĩa nếu như ta không có sức khoẻ.
Và tôi không uống rượu, bia để bảo vệ sức khỏe của chính mình. Tôi mong các bạn cũng hãy quan tâm đến sức khỏe của bản thân, hạn chế các buổi nhậu và tiêu thụ rượu, bia ít nhất có thể.
Cuộc sống này có rất nhiều điều tươi đẹp mà chúng ta chưa khám phá hết, còn bệnh viện thì đã quá tải rồi. Nếu chưa một lần nằm trên xe cứu thương, bạn sẽ chẳng thể biết sức khỏe quý giá nhường nào.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.