Bộ Tài chính đang lấy ý kiến để tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với các đồ uống có cồn (bia, rượu), nước ngọt, để bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2022-2023. Hiện mức thuế tiêu thụ đặc biệt với bia là 65%, rượu 35-65% tùy độ cồn dưới hay trên 20 độ. Tuy nhiên, Chủ tịch Hiệp hội Bia, rượu, nước giải khát Việt Nam (VBA), cho rằng dù việc tăng thuế là cần thiết, nhưng chưa nên thực hiện với bia, rượu, ít nhất tới 2025 - giai đoạn phục hồi sau đại dịch.
Đồng tình với quan điểm của các doanh nghiệp bia, rượu, độc giả An Đông Hà cho rằng: "Doanh nghiệp xin hoãn cũng là có lý. Việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia đúng là điều phải làm. Nhưng chúng ta cũng cần tính toán tăng vào thời điểm nào cho hợp lý, đảm bảo cho các doanh nghiệp tồn tại và phát triển. Tôi cho rằng, nên lùi lại 1-2 năm, đợi cho tình hình giá cả bớt leo thang, kinh tế từng bước ổn định, doanh nghiệp có sự chuẩn bị, khi đó tăng thuế sẽ phù hợp hơn".
Cùng chung nhận định, bạn đọc Thanhnam chỉ ra những hệ lụy từ việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia: "Hệ lụy trước mắt là công nhân viên các nhà máy nước giải khát bị cắt giảm, hạ lương, hàng quán thiệt hại nặng vì người tiêu dùng ngừng tiêu thụ đồ uống giá cả đắt đỏ. Tới lúc đó bạn sẽ thấy thấm. Trước khi nói gì hãy suy nghĩ đến hậu quả thế nào".
>> Quán nhậu tràn lan ở quê tôi
Trong khi đó, với quan điểm trái chiều, độc giả Tran Thi Thu Ha phản biện: "Đề nghị cơ quan quản lý áp thuế tiêu thụ đặc biệt với các loại mặt hàng thuốc lá, rượu, bia, nước ngọt luôn và ngay. Tăng càng cao càng tốt. Điều đó vừa giúp tăng thu cho nhà nước vừa giảm các vấn đề bệnh tật phát sinh cho người dân, đỡ khổ cho con cháu sau này, đỡ gánh nặng cho ngành y tế. Chưa nước nào mua bia rượu và thuốc lá lại dễ và rẻ như Việt Nam. Đàn ông Việt tối ngày bia, rượu, chẳng có thời gian dành cho gia đình, làm gương xấu cho con cái, cần sớm được chấn chỉnh".
"Đề nghị tăng thuế ngay và mức tăng thật cao đối với các sản phẩm gây hại cho sức khỏe con người như rượu, bia. Đây không đơn thuần chỉ là thu tiền thuế, bởi rượu, bia kéo theo rất nhiều tệ nạn xấu, ảnh hưởng tiêu cực đến y tế, giáo dục, sức khỏe con người. Thậm chí ảnh hưởng xấu đến giống nòi sau này, nên cần bị đánh thuế nặng", bạn đọc Hungnice bổ sung thêm.
Cũng ủng hộ đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với các đồ uống có cồn, độc giả Tuong Kiet nhận định: "Với đặc thù xã hội và thể chất người Việt, tôi cho rằng chúng ta nên đánh thuế nặng mấy thứ thực phẩm không lành mạnh như rượu, bia càng sớm càng tốt. Hệ thống y tế hiện tại khiến người dân vẫn gặp nhiều khó trong việc khám chữa bệnh. Người Việt cũng không có thói quen đi khám sức khỏe định kỳ, cộng thêm những hạn chế của nền y tế, khiến mỗi khi người dân có bệnh là hao tốn rất nhiều tiền bậc lẫn sức lao động.
Theo tôi, một cách đánh thuế dễ dàng hơn là áp mức thuế thấp cho năm đầu và tự động tăng hàng năm cho tới mức cao. Không nên áp một mức cao ngay lập tức vì sẽ dẫn đến xung đột về lợi ích, khó áp dụng (nhà nước lo cho sức khỏe của người dân, nhưng doanh nghiệp cũng lo cho doanh thu, lợi nhuận, ai cũng có lý cả)".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.