Tôi rất mừng khi Nghị định 100, 117 (về hành vi ép uống rượu bia) ra đời, nhưng lại sớm phải thất vọng vì chỉ thực thi ở thành phố, đô thị, còn các xã vùng xa, vùng cao thì chưa tới. Do đó, hầu như chuyện nhậu nhẹt rồi lái xe vẫn diễn ra như cơm bữa.
Tôi từng là cán bộ, công việc của tôi gắn cả với trách nhiệm tiếp khách uống rượu. Ở chỗ tôi, lãnh đạo xã thường nói đùa trong các cuộc nhậu rằng: "Trưởng mà không uống rượu là không được". Việc không uống rươụ cũng sẽ không được tín nhiệm của dân. Người dân chỗ tôi hay bảo: "Anh không uống rượu, không vào bản, dân sao biết anh?". Do đó, người không uống rượu sẽ có rất nhiều áp lực, nhiều điều không thuận lợi.
Trong khi đó, bản thân tôi bị loét thực quản, dạ dày, tá tràng... ăn uống vốn phải rất cẩn thận, đã từng nằm viện và uống đủ các thứ thuốc. Bây giờ, chỉ cần hai chén rượu là tôi gặp họa ngay. Hiện tại, làm cán bộ đã được giảm đi khá nhiều áp lực công việc, không phải đi uống rượu nhiều. Còn trước kia, mỗi khi phải đi họp hành, giao ban luân phiên các xã, nơi xa nhất có khi đi tới 50-70 km đường vùng cao, đến nơi xong xuôi công việc lại phải uống rượu giao lưu.
Có lần, tôi phải bỏ về trước hoặc ra quán ăn cơm ăn tạm cho xong bữa, chứ nếu ở lại chỉ ăn không uống lại bị người ta đánh giá là tham ăn, ích kỷ, cá nhân... Thậm chí, có lần, tôi còn bị người khác cất, giấu bát đi vì "không được phép ăn trước", có giải thích lý do đau ốm cũng không ai nghe. Có người đòi xem bằng chứng, có người nói bị nặng hơn vẫn uống bình thường... đủ thứ bắt bẻ nhau. Mỗi tháng trung bình có hai, ba lần họp, khiến tôi thực sự mệt mỏi.
>> Quán nhậu vô can khi để tài xế say xỉn đâm liên hoàn?
Ngoài ra, xin kể thêm quy tắc uống rượu ở chỗ tôi: sau bốn chén uống chung mới được chúc riêng, uống bằng cốc hoặc bát ăn cơm, sau đó lại vô số chén chung. Ai muốn nghỉ là mỗi người phát động một chén mời. Các loại đám hiếu, hỷ, tổ chức sinh nhật, thôi nôi... dịp nào cũng có thể trở thành lý do để uống rượu. Với tôi, đó như một cơn ác mộng không có điểm dừng.
Hậu quả thì ai cũng thấy, nhìn người bằng tuổi hoặc ít tuổi hơn nhưng họ già hơn cả tôi. Người 50 tuổi ở đây trông như 70, 80 tuổi ở thành phố. Tôi thấy thật khó tố cáo người ép uống rượu, bia, vì nó chẳng khác nào tự "đào hố chôn thân".
Tôi còn nhớ vào một đám cưới ở quê, tôi ngồi cùng cả nam và nữ lạ mặt, không ai quen ai. Sau khi được người ta chúc rượu, gạ uống cạn, tôi có phản ứng lại, giảng giải về tác hại của rượu, và chỉ xin nhấp môi, uống nửa chén. Có một cô gái ngồi bên cạnh tôi, trước đó người khác chúc thì nhiệt tình lắm. Nhưng sau khi tôi chúc thì cô không thèm bắt lời khiến tôi ngượng ngùng bỏ chén xuống và tranh thủ ăn xong rồi đứng dậy.
Nói chung, không uống rượu, tôi trở nên lạc lõng trong các cuộc vui và dần ít bạn bè. Bù lại, thứ tôi có duy nhất là sức khỏe, lối sống lành mạnh. Chính vì vậy, ở quê, gia đình tôi dù có năm anh em trai, nhưng vì chúng tôi không nhậu nhẹt, nên làng xóm không thân thiện cũng chẳng thích quan hệ gần.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.