Đọc bài viết "Gánh nặng 'trẻ nuôi con, già chăm cháu'", tôi cũng xin chia sẻ về câu chuyện của gia đình mình. Nhà tôi cũng xảy ra tình trạng hai bố mẹ và con dâu không đồng quan điểm với nhau trong việc nuôi dạy con cái. Ông bà luôn có tâm lý bao bọc hết mức, lúc nào cũng sợ cháu ngã đau nên không cho chơi theo ý thích của chúng, hoặc lúc nào cũng phải ở sát bên cạnh, trực đỡ phòng khi cháu ngã...
Với một người trẻ như tôi, quan điểm chăm trẻ như vậy chắc chắn là khó chấp nhận. Không muốn phó mặc con cái cho ông bà chăm như vậy, tôi đã quyết định nghỉ hẳn việc để ở nhà chăm con toàn thời gian, dù cho kinh tế gia đình cũng không phải quá dư dả gì.
Dù ông còn đang đi làm, bà nghỉ hưu, nhưng ông bà vẫn có tâm lý sợ mọi người bên ngoài nhìn vào sẽ nghĩ mình không chăm cháu giúp con mà cứ ở nhà chơi không. Thế nên cả hai vẫn muốn ra trông cháu thường xuyên để đỡ bị dị nghị.
Cá nhân tôi thì một mực phản đối suy nghĩ đó. Ở riêng là sự lựa chọn hợp lý nhất với những gia đình có những vấn đề không hòa hợp trong tư tưởng và cũng là cách để bố mẹ được nghỉ ngơi tuổi già. Thi thoảng, ông bà có thể ra thăm cháu vài ngày cho đỡ nhớ, chứ không nên ở lại quá lâu và can thiệp vào các nuôi dạy trẻ của con cái.
>> 'Đừng bắt ông bà trông cháu'
Việc các thế hệ đụng mặt nhau cả ngày sẽ dễ gây ra những tình huống mâu thuẫn không đáng có, đúng như câu "xa thơm gần thối". Chưa kể, không gian nhà nhỏ hẹp ở thành phố khiến nhiều khi vợ chồng trẻ muốn riêng tư với nhau cũng ngại ông bà.
Tôi biết là nhiều ông bà rất chủ động mong muốn ra chăm cháu (vì thương con, thương cháu), nhưng nếu con cái không nhờ thì tôi nghĩ tốt nhất cũng không nên cố làm gì. Vợ chồng trẻ nếu muốn đi làm thì có thể thuê người giúp việc trông con hoặc gửi con đi nhà trẻ, không thiếu gì cách mà phải lụy ông bà.
Cái suy nghĩ để ông bà trông cháu thực sự đã ăn sâu vào máu của nhiều người Việt. Như bố mẹ tôi ở quê, đi làm nông đã mệt bở hơi tai, về nhà lại còn phải nấu ăn cho mấy đứa trẻ, rồi quát tháo ầm ĩ. Cái tuổi lẽ ra được nghỉ ngơi nhưng lại vô tình như nuôi con mọn. Làm vậy liệu có đáng không?