Đọc bài viết "Tuổi già ở nhà riêng thanh thản như ở viện dưỡng lão", tôi rất đồng quan điểm với tác giả Phạm Thiết Hùng. Bố mẹ tôi cũng gần 70 tuổi. Khi còn trẻ, sức khỏe tốt, bố làm xây dựng và nuôi ba anh em tôi ăn học đầy đủ. Cách nghĩ của bố tôi cũng rất giống tác giả Hùng.
Ngay từ khi chúng tôi đủ 18 tuổi, bố mẹ đã cho tự quyết định về tương lai của mình: thích học gì, làm gì cũng được, và tự chịu trách nhiệm với những quyết định của mình. Bố mẹ chỉ là người đứng sau để góp ý, còn người thực hiện là các con. Bố mẹ luôn mong muốn con cái được hạnh phúc, anh em trong gia đình hòa thuận, không để bố mẹ phải suy nghĩ gì là đủ rồi. Đến nay, tất cả chúng tôi đều đã có gia đình riêng của mình. Anh em tôi tự làm lụng, mua được nhà từ số tiền mình kiếm được trước khi lập gia đình.
Với tôi, quan điểm sống độc lập kiểu Tây, hay gần gũi kiểu ta là tùy vào quan niệm sống của mỗi gia đình, mỗi người, không có đúng - sai. Quan trọng là chúng ta phải biết học hỏi những cái hay và có chọn lọc sao cho phù hợp với hoàn cảnh của bản thân. Với tôi, bố mẹ vợ hay bố mẹ đẻ cũng đều như nhau. Tôi có gia đình, có con và ra ở riêng, không sống cùng bố mẹ hai bên, nhưng vẫn thường xuyên hỏi thăm nội - ngoại.
>> 'Làm tròn chữ hiếu trước khi để cha mẹ già ở riêng'
Vì không ở cùng nên tôi vừa thuê người chăm ông bà hai bên, vừa tự tay chăm sóc khi họ ốm đau. Tài sản của bố mẹ, vợ chồng tôi không bao giờ nghĩ đến việc thừa hưởng. Bố mẹ cho ai hay làm gì là quyền của họ. Còn tài sản của vợ chồng tôi tự tay làm ra sẽ luôn là của ông bà, miễn sao bố mẹ hai bên gia đình cảm thấy vui. Chúng tôi luôn đồng hành cùng họ, dù khó khăn hay vất vả cỡ nào, tôi cũng luôn mong muốn bố mẹ được vui và trọn vẹn trong cuộc sống đầy rẫy những lọc lừa và toan tính này.
Quan điểm của tôi là bố mẹ cứ làm những gì mình thích, tôi không ép họ phải thế này, thế kia. Vì đơn giản, phận làm con, chúng tôi luôn đối xử tốt với bố mẹ từng ngày, tạo niềm vui cho họ, và không bao giờ để bố mẹ phải suy nghĩ. Bố mẹ chỉ có một, nếu để đổi tuổi thọ của tôi với ông bà hai bên gia đình, tôi cũng sẵn sàng làm điều đó. Gia đình tôi cũng chỉ ở mức trung bình khá, không phải gia đình giàu có, nhưng miễn sao cả nhà cùng ngồi ăn cơm đủ ba thế hệ, còn nhìn thấy nhau là hạnh phúc lắm rồi. Nếu hạnh phúc tuổi già của cha mẹ mua được bằng tiền, tôi nguyện làm người nghèo vật chất để đánh đổi.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.