"Giao phó ông bà trông cháu có phải là 'bất hiếu'?", nhiều độc giả VnExpress cho rằng không nên đẩy trách nhiệm chăm cháu cho ông bà như một nhiệm vụ bắt buộc:
Điều này cũng tùy vào quan điểm và cách hành động thế nào của từng người, từng hoàn cảnh. Đối với tôi, vì ông bà đã ngoài 70 tuổi nên không muốn phải chăm cháu, nhất là mùa lạnh này ở ngoài Bắc rất khắc nghiệt. Nhưng ông bà cứ đòi nằng nặc ở chăm cháu. Tôi nói rằng 'bây giờ mọi thứ rất hiện đại và tiện nghi, nên không có gì phải lo lắng'. Thuyết phục mãi, ông bà mới chịu về quê, nơi không gian quen thuộc, có bà con hàng xóm, có vườn tược, có con gà, con vịt, những con vật nuôi khác... mà ông bà vẫn thường chăm và sinh hoạt hằng ngày. Điều đó làm cho ông bà thấy cuộc sống vui vẻ, tự do và hạnh phúc.
Thi thoảng nhớ con cháu, ông bà lại lên thăm một, hai tuần rồi lại về. Các ông bà ngoài 70-80 tuổi không còn sống được bao nhiêu nữa, nên chúng tôi hết sức cố gắng để tự chăm lo cho gia đình nhỏ của mình và để ông bà được nghỉ ngơi thư thái. Thứ quan trọng nhất là ông bà phải về bảo vệ cái nơi chúng tôi gọi là quê hương của mình để hằng năm đến Tết cổ truyền hoặc có dịp gì quan trọng còn có nơi để về...
Hai vợ chồng tôi sinh hai con gái: đứa lớn 3 tuổi, đứa nhỏ mới 13 tháng. Chúng tôi ở riêng, nhà gần ông bà nội, nhưng đều tự trông lấy. Đến khi con được 2 tuổi, tôi đem gửi nhà trẻ, cả hai đều không muốn nhờ cậy ông bà hai bên. Tôi nghĩ ba mẹ đều lớn tuổi (65 tuổi) muốn để họ nghỉ ngơi, thích làm gì tùy ý.
Đôi khi không sắp xếp được thời gian thì chỉ gửi ông bà trông giúp một buổi rồi thôi, hoặc lâu lâu chở cháu về nhà ông bà chơi chứ không bắt buộc họ phải giữ cháu. Dành thời gian với con, vợ chồng tôi phải hy sinh rất nhiều thứ, nhưng một thời gian, khi con lớn lên chút, tôi cũng khỏe ngay.
Tôi chưa lấy vợ, nhưng cũng xác định sau này sinh con sẽ thay phiên vợ chồng lo cho con. Chỉ khi quá bận, quá khó khăn, không xoay được thì mới nhờ ông bà nội ngoại. Và nhờ cũng chỉ một, hai tháng là cùng. Chúng tôi tuyệt đối không biến ông bà nội, ngoại thành những osin không công cho mình.
Anh họ tôi ở thành phố lớn khi sinh con thứ hai, cứ đòi bà nội ra để giữ đứa nhỏ, đến buổi đón đứa lớn từ trường mầm non về. Bỏ lại ông nội một mình ở quê, phải tự cơm nước giữa cái nhà rộng. Sau đó, ông bị đột quỵ, may nhờ làng xóm xung quanh qua đưa đi cấp cứu. Từ đó, anh không dám nhờ bà ở mãi cùng vợ chồng trên thành phố, để ông lại một mình nữa. Tôi nghĩ rằng bố mẹ tuổi già cần được nghỉ ngơi, giữ cháu chỉ là thú vui khi ông bà tự nguyện chứ không nhờ vả gì quá hai, ba tháng.
Khi có đứa đầu, do còn đang trong giai đoạn cần thi đua để thăng chức, tôi nhờ ông bà ngoại chăm con đến 18 tháng rồi gửi nhà trẻ. Sau 18 tháng, bà ngoại bị đau nhức tay, vai gáy, an dưỡng đến mấy năm sau mới ổn định lại. Chăm một đứa trẻ không hề dễ, chưa kể lúc bệnh ốm hành người, đến người trẻ còn trụ không nổi chứ đừng nói người già.
Thường phụ nữ trải qua sinh đẻ, chăm con như rút đi nửa mạng, lại rút tiếp nửa mạng còn lại đi chăm cháu, người đời gọi mỹ miều là 'hy sinh', còn với tôi đó chính là 'bóc lột'. Con ai người ấy chăm, năng lực mạnh và tài chính đủ thì nghỉ một năm rưỡi chăm con cũng chẳng ảnh hưởng gì.
>> Bạn có đồng tình với quan điểm này? Gửi bài tại đây. Ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.