Ngày nay, tôi thấy nhiều đôi vợ chồng trẻ có suy nghĩ ra ở riêng, không muốn nhờ vả ông bà, con mình mình chăm. Thoạt nghe, đây có vẻ là tư tưởng khá tiến bộ, thể hiện tinh thần trách nhiệm, không phiền lụy, để cha mẹ già có thời gian đi nghỉ ngơi, hưởng thụ cuộc sống về già... Nhưng thực tế, đó lại là một cách trốn tránh trách nhiệm. Bởi những người cha mẹ già không ở cùng con cháu đó, sau này già yếu, muốn quay về nhờ con cháu trông nom cũng khó, có khi lại còn bị chúng trách ngược "lúc ông bà còn khỏe thì chẳng nhờ vả được gì chuyện con cái, giờ già bệnh ốm yếu lại phải nai lưng ra phụng dưỡng".
Thực ra, ở đây, tôi không hề có ý tính toán thiệt hơn giữa con cái và cha mẹ, mà vòng tuần hoàn "cha mẹ nuôi con, con chăm sóc lại khi về già" là hoàn toàn đúng đạo hiếu. Nhưng thực tế, thế hệ trẻ có mấy ai làm được thế? Đa phần cha mẹ toàn nước mắt chảy xuôi. Tôi dám chắc một điều, nếu gia đình nào có kinh tế bình thường mà để cha mẹ già sống riêng, đến khi một đứa nào đó phải đón về phụng dưỡng sẽ là cả một vấn đề. Nhà đông con còn kinh khủng hơn, chúng sẽ hơn thua, đùn đẩy trách nhiệm phải chăm ông bà già yếu.
Ngược lại, nếu sống chung ngay từ đầu ắt sẽ có qua có lại, ông bà còn sức khỏe chăm cháu, con cái phụng dưỡng lại khi về già, tình cảm gia đình sẽ thêm gắn kết. Chỉ là nếu sống như vậy, bản thân mỗi người con cũng phải ý thức được rằng ông bà chỉ có thể hỗ trợ được phần nào, ngoài những lúc đi làm phải tuyệt đối không được phiền tới ông bà. Đó mới là thể hiện sự trách nhiệm (không bàn tới những người đẻ con đó rồi đi biệt tăm, bắt ông bà già phải nuôi cháu).
Nói chung quan điểm nào cũng có cái hay, cái dở. Nhưng tôi nghĩ, nếu đã là có hiếu thì ở chung hay riêng cũng không thành vấn đề, vấn đề là cách sống và cách đối nhân xử thế ra sao mà thôi? Ví dụ, rất nhiều nhà ông bà muốn con cháu ở cùng, muốn gần con cháu, sẵn sàng chăm cháu cho con đi làm, nhưng con dâu chối bỏ, kêu phiền hà, mất tự do, bắt chồng ra riêng bằng được, dẫn đến mất hòa khí...gia đình. Hoặc cũng rất nhiều nhà ở chung nhưng bố mẹ đi biệt tăm, ngoài giờ làm còn đi cà phê, nhậu nhẹt, bỏ con đó toàn thời gian cho ông bà chăm... Đó là những lối sống rất tiêu cực.
>> Tuổi già tủi nhục vì không có lương hưu
Nhiều khi giới trẻ bây giờ muốn ở riêng cho bản thân tự do, nghĩ cho chính mình chứ không hẳn là muốn cho ông bà thoải mái... Tôi biết xã hội còn nhiều người con kinh khủng hơn nhiều. Nói ra thì có vẻ tiêu cực, nhưng thực sự là xa mặt cách lòng, tình cảm cần phải được gần gũi, tiếp xúc mỗi ngày mới lâu bền. Tình cảm nào dù có thiêng liêng tới đâu thì cũng cần có sự vun đắp và quan tâm thường xuyên.
Tôi không phủ nhận việc con cái sau khi lập gia đình sống riêng với cha mẹ là rất hiện đại của thế hệ trẻ. Tuy nhiên, cũng đừng bắt cha mẹ già phải thấm nhuần ngay tư tưởng đó.
Người già thường sợ ở một mình và không được bên cạnh người thân, trong họ đa số đều không muốn nghĩ tới cảm giác "bị con cháu bỏ rơi". Cái gì cũng có giá của nó, sự tự do, thoái mái sẽ đi liền với lạnh lẽo, cô đơn, cứ nhìn người già ở các nước phương Tây là rõ.
Ở Việt Nam, hầu hết các bậc cha mẹ không nghĩ tới việc đầu tư tuổi già, họ chỉ đầu tư cho con cháu tất cả những gì họ có và luôn mong về già sẽ nhờ con. Ai cũng mong điều đó cả, chỉ có những người mong mà không được thì phải tự tìm cách cho riêng mình mà thôi. Tất nhiên, sống thế nào là do mỗi người chọn lựa. Nhưng theo tôi, giới trẻ ngày nay sống có phần ích kỷ hơn thế hệ trước, có lẽ do họ quá sướng, được ba mẹ bảo bọc quá nhiều nên không hiểu hai chữ "hy sinh" là thế nào?
Bản thân tôi mới 35 tuổi, nhưng rất hiểu và thương cho cảnh tuổi già mà phải sống với người lạ, vì con cháu bận cuộc sống riêng nên không thể ở bên. Nghĩ tới thế thôi là tôi đã không bao giờ muốn cha mẹ mình khi già sẽ phải rơi vào suy nghĩ như thế. Bởi thế, với tôi, tiền kiếm đủ là đủ, còn thời gian hãy dành cho người thân, gia đình. Tiền kiếm cho lắm cũng có mang theo được đâu. Sắp chết rồi, được ở bên con cháu mới là ý nghĩa nhất.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.