Đồng cảm với tác giả câu chuyện "Tôi không muốn là gánh nặng cho con cháu khi già", độc giả Kelly Trinh chia sẻ:
Tôi đã hơn 50 tuỏi, chưa già nhưng cũng không thể gọi là trẻ nữa. Tôi cũng chẳng khỏe mạnh, nhưng tôi sống riêng dù con cái có nhà, hoàn toàn có thể sống chung. Bố mẹ chỉ có thể hỗ trợ khi con thực sự cần, còn cuộc đời của con thì phải tự sống, tự sinh tồn. Và tôi cũng đang áp dụng đúng điều tôi đã dạy con tôi.
Con cái có cuộc đời của chúng, tôi chọn sinh chúng ra để sống chứ không phải để gánh vác tuổi già của tôi. Còn tuổi già của bản thân, tôi đã chuẩn bị sẵn sàng từ đau ốm đến lú lẫn. Tôi có một quỹ riêng dành cho viện dưỡng lão khi tôi không thể sống một mình nữa. Tôi cũng có sẵn di chúc, có một nội dung là: "Nếu chẳng may tôi mất nhận thức mà tim vẫn đập thì không ai được quyền cứu chữa". Nếu tôi không thể hoạt động nhưng đầu óc vẫn còn minh mẫn thì tôi lại có một quỹ để sang những nước chấp nhận an tử.
Tôi cũng chưa bao giờ muốn sống đến quá tuổi 70 dù nhiều người bảo suy nghĩ này thật điên rồ, chưa già nên nghĩ vậy chứ già lại khác. Có thể đến năm 70 tuổi, tôi sẽ khác, nhưng suy nghĩ này đã theo tôi hơn 20 năm qua nên tôi vẫn tin tưởng. Với tôi, sống là khi còn cảm nhận được sự sống chứ không phải là tồn tại, sự sống chưa bao giờ được đo bằng số năm tồn tại.
Cũng có chung quan điểm đó, bạn đọc Thu7757 chỉ ra những điều cần chuẩn bị để có một tuổi già không làm phiền con cháu:
Khi già, chúng ta có trở thành gánh nặng của con cháu hay không phụ thuộc vào:
1. Sự giáo dục của chúng ta với con cháu từ khi còn trẻ ra sao: chúng ta không bắt con cháu báo hiếu vì thực tế ta mới là người bắt chúng ra đời, nhưng việc con cháu có ý thức làm việc học tập và đối xử với mọi người xung quanh như thế nào là nền tảng giáo dục xây dựng nhân cách của chúng ta.
2. Tự chủ và luôn tự chủ trong mọi việc: từ rèn luyện chăm sóc sức khoẻ, đến tự chủ tích luỹ tài chính, các công việc sinh hoạt cá nhân...
3. Không can thiệp nội bộ gia đình con cháu: ta có thể góp ý trên khía cạnh để chúng tham khảo, còn thành - bại thì chúng tự quyết. Không vì chúng không nghe lời mà đổ tội cho chúng. Chúng ta chỉ làm đúng trách nhiệm của mình và chúng cũng tự phải lo chọn lọc các giải pháp cho cuộc của chúng sau khi đã được khuyên hoặc tư vấn.
4. Sống riêng, không sống chung: có sự sắp xếp từ trước đề phòng lúc ta bị ốm liệt giường, thậm chí mất ý thức (con cái nên thu xếp công việc như thế nào cho gọn nhẹ, tiền tích trữ của ta; được chi tiêu ra sao cho việc phục vụ cha mẹ... tránh làm phiền đến công sức, thời gian, tài chính của con cháu).
Cứ làm như thế thì chúng ta sẽ chẳng là gánh nặng của ai. Ngược lại, mỗi người cũng cần phấn đấu trở thành tấm gương cho con cháu noi theo khi về già. Trước khi sinh con, hãy suy nghĩ kỹ. Nếu sinh con ra để chúng vất vả, cơ cực, cộng thêm phải phục vụ, cung phụng mình thì xin đừng sinh.
Trong khi đó, dưới góc nhìn của một người trẻ, độc giả Nguyen Bui Nhung lại chia sẻ câu chuyện sống độc lập, không dựa vào con cái của bố mẹ chồng và lấy đó làm tấm gương để học tập:
Mẹ chồng tôi đã từng trải qua giai đoạn chăm bố đẻ của bà nằm bệnh 10 năm nên rất thấu hiểu. Bà không muốn điều đó lặp lại với con cháu nên có lẽ bà chọn cách hy sinh thế hệ của mình để thay đổi.
Bố mẹ chồng tôi ngày trẻ làm việc nghiêm túc, đầu tư ít nhiều nên bây giờ nghỉ hưu rất dư dả. Ông bà vẫn làm việc, du lịch theo sức của mình. Con cái qua 18 tuổi là ông bà động viên ra ở riêng để tự lập. Con trai lấy vợ, ông bà không để con dâu phải lo nghĩ hay bận tâm một chút nào về những trách nhiệm với gia đình. Tuy vậy chúng tôi đều có học và có kinh nghiệm xã hội, nên vẫn cư xử đúng mực.
Có thể nói gia đình riêng của tôi và gia đình bố mẹ chồng tôi đã trở thành những đơn vị gia đình ngang bằng nhau về mặt pháp lý. Ông bà có điều kiện gấp cả chục lần chúng tôi, nhưng chúng tôi vẫn tự lo tự chủ, thậm chí sinh con cũng tự chăm lo chứ không nỡ nhờ bố mẹ bên nào đến chăm hộ. Mỗi tháng chúng tôi cùng ông bà đi ăn đôi ba lần, mỗi năm cùng du lịch một, hai lần. Ông bà cũng thường đến chơi với các cháu.
Ông bà còn dặn chúng tôi: "Khi bố mẹ già sẽ không tránh khỏi lú lẫn, nói trước quên sau và ích kỷ... các con đừng quá bận tâm, phải lo cho bản thân, gia đình, con cái mình thật tốt đã, như vậy bố mẹ đã yên tâm rồi". Tôi học được từ ông bà nhiều, từ đó, vợ chồng tôi góp sức giúp cho bố mẹ đẻ của tôi, khi đó làm ăn thua lỗ và con trai nợ nần, lấy lại được cuộc sống bình thường, ổn định.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.