Xung quanh vụ việc ba học sinh lớp 3 tại trường Tiểu học Ngũ Đoan, Kiến Thụy, Hải Phòng bị cô giáo chủ nhiệm đánh tím mông bằng thước gỗ vì không hoàn thành bài tập về nhà, có ý kiến ủng hộ quan điểm dùng roi vọt dạy dỗ trẻ. Cá nhân tôi thấy rất ái ngại cho những tư tưởng dạy trẻ như vậy trong xã hội Việt ngày nay.
Hãy thử nhìn trong phạm vi một lớp học, ta có thể thấy bốn nhóm người điển hình trong tình huống bạo lực xảy ra:
- Nhóm 1: bị đánh và cam chịu bị đánh. Đây là những nạn nhân trực tiếp và chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ bạo lực.
- Nhóm 2: chủ trương dùng bạo lực, kích động và khuyến khích dùng bạo lực.
- Nhóm 3: trực tiếp đánh, tức cho phép mình gây tổn thương cho người khác.
- Nhóm 4: tán đồng, thỏa hiệp với bạo lực, hoặc không tán đồng nhưng lúng túng, e sợ và bất lực, không dám lên tiếng can thiệp trước hành vi bạo lực.
Thực tế, do ở lứa tuổi học sinh, các em còn quá nhỏ nên chưa nhận thức được đầy đủ nghĩa vụ và trách nhiệm của mình. Do vậy, nhóm 3 và nhóm 4 trong trường hợp trên cũng có thể xem là nạn nhân gián tiếp của bạo lực: các em phải đánh người khác theo chỉ đạo hoặc nhìn người khác bị đánh mà không dám can ngăn.
Tôi tự hỏi, nếu nhiều người cùng có quan điểm ủng hộ cô giáo đánh học sinh, thì tình huống của lớp học này có được đà lan rộng hơn trong xã hội hay không? Kết quả là bốn nhóm người trên (chịu bị đánh, đánh, cổ vũ đánh, hoặc im lặng) sẽ chính là những đại diện cho xã hội bên ngoài. Đó có phải là một tương lai mà chúng ta muốn hướng đến?
>> Những chiếc 'đinh găm' trên đầu con trẻ
Đọc vụ việc này, tôi lại liên tưởng đến vụ mẹ kế bạo hành con riêng của chồng gây rúng động dư luận thời gian gần đây. Rất có thể, người mẹ trẻ đó cũng bắt đầu chỉ với vài roi vào mông đứa trẻ. Nhưng khi tình trạng đó diễn ra thường xuyên hơn với cấp độ tăng dần, mọi thứ sẽ vượt ngoài tầm kiểm soát. Phàm ở đời, việc gì ta làm nhiều ắt sẽ thành quen, làm thường xuyên hơn, và sẽ thấy nó rất bình thường. Chuyện đánh con trẻ cũng vậy. Và hậu quả cuối cùng đều đổ lên những em bé đáng thương.
Xét cho cùng, bạo lực là biểu hiện của sự bất lực. Câu hỏi "không đánh thì dạy bằng cách nào?" thể hiện chính xác sự bất lực của người lớn. Sự bất lực này là do thiếu các công cụ thiết yếu trong dạy dỗ, giáo dục con trẻ: yêu trẻ (không chỉ là tình thương hay trách nhiệm), tôn trọng trẻ, hiểu trẻ, cùng sự kết hợp giữa nhà trường và gia đình học sinh. Nếu chúng ta nói "không thể", chúng ta sẽ không bao giờ chịu thử làm hoặc không muốn làm. Vô hình trung, nó khiến điều có thể trở thành không thể.
Mỗi sự sống, mỗi cá nhân đều mang giá trị độc đáo duy nhất và cần được quý trọng. Không có cá nhân nào đáng bị đánh đập hay hạ thấp bởi một cá nhân khác. Tuổi nhỏ, thân thể nhỏ là để được thân thể lớn mạnh, hiểu biết hơn chăm sóc, bảo vệ và nâng niu. Cốt lõi là để các em sau này lớn lên sẽ tiếp tục chăm sóc và nâng niu các thế hệ tiếp theo. Vì vậy, đòn roi không bao giờ là lựa chọn nên dùng trong dạy dỗ con trẻ.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.