Nhà tôi ở Đồng Đăng, ngay sát cửa khẩu, môi trường rất phức tạp, mẹ tôi ung thư mất sớm, một tay bố nuôi dạy ba anh em tôi. Thấy tôi tụ tập chơi bời với đám bạn xấu, bố nhiều lần cấm tiệt. Nhưng tính tôi vốn bướng nên không nghe lời. Từ ấy, mỗi lần thấy tôi đi theo đám bạn đó, ông lập tức bắt tôi nằm sấp, lấy dây điện đánh tôi rất đau. Nhưng bố chỉ đánh vào mông (phần mềm) chứ tuyệt nhiên không đánh vào bất kỳ bộ phận nào khác trên cơ thể con.
Ngày ấy, tôi cũng ấm ức lắm, không phục tí nào, nhưng vì sợ bị ăn đòn nên không dám giao du với đám bạn xấu kia nữa. Sau này khôn lớn, ngồi nghĩ lại, tôi thấy biết ơn những trận đòn đau của bố ngày bé. Nếu không có những nhát roi ấy, có lẽ giờ tôi đã nghiện ngập, hay vướng vòng lao lý nhưng chúng bạn không biết chừng.
Đúng là có những ông bố, bà mẹ lạm dụng đòn roi không đúng cách. Họ đánh không phải dạy con nữa mà là trút giận, giải tỏa nỗi khổ cực dồn nén lên con cái. Có lẽ về già họ sẽ phải ân hận vì những phút nóng nảy, thiếu kiềm chế của mình. Tôi nên người nhờ đòn roi nhưng chưa bao giờ tôi dùng từ "thê thảm" hay "tàn bạo" để nghĩ lại những trận đòn của bố.
Cá nhân tôi cho rằng, dù là thời đại nào, giàu hay nghèo, sướng hay khổ, rảnh hay bận, thì mỗi đứa trẻ cũng cần có cách giáo dục riêng. Lời lẽ không dạy được thì phải dùng roi để dạy. Lý lẽ "đòn roi thể hiện sự bất lực của cha mẹ" tôi thấy có phần phiến diện. Con tôi bây giờ thỉnh thoảng vẫn ăn roi như thường. và tôi tin sau này lớn lên con sẽ hiểu lý do mình bị đánh.
Tất nhiên, tôi không bênh hành vi bạo lực với con cái. Nhưng nhiều người không phân biệt được thế nào là bạo lực, thế nào là răn đe? Không cha mẹ nào khi không lại đi đánh con mình. Ai làm vậy thì đáng bị lên án. Ở đây, chúng ta phải hiểu đòn roi là biện pháp cuối cùng trong việc dạy dỗ một đứa trẻ. Bởi nhiều đứa rất ương bướng, chưa hiểu chuyện, không ý thức được hành vi của mình là sai, nên để tránh hậu quả xấu thì đòn roi là cách nhanh nhất để chấm dứt sai lầm của trẻ. Vả lại, đánh đòn để răn đe thì luôn có chừng mực và không ai đánh con quá đau đến mức gây thương tổn về tâm lý và thân thể chúng.
Thế hệ của tôi và cả các bạn trẻ đầu 9X đã làm cha mẹ, nhiều người từng tâm sự với tôi rằng họ biết ơn đòn roi vì giúp họ nên người. Số khác tuy ăn đòn đau nhưng đều hiểu cho cha mẹ vì giờ họ cũng có con và phải dạy con theo cách đó. Tôi từng chứng kiến nhiều bậc cha mẹ tha thiết giảng giải cho con mình bằng lời nhưng mặt đứa trẻ cứ câng câng, thách thức. Nếu không dùng đòn roi thì thử hỏi phải làm sao để dạy chúng? Nếu đứa trẻ nào cũng ngoan như nhau thì có lẽ không bậc phụ huynh nào phải đánh con, vì ai mà không yêu thương con mình?
Chính những người có quan điểm tiêu cực về đòn roi đã khiến những đứa trẻ ương bướng, chưa hiểu chuyện nảy sinh tính coi thường cha mẹ, coi thường người lớn, coi thường mọi luật lệ. Khi lời nói không "để vào đầu" đứa trẻ thì hậu quả sau này không ai có thể lường trước được. Điều đó vô tình khiến nhà trường thêm bất lực trong việc kết hợp với gia đình giáo dục trẻ, không dám làm gì dù chúng hư đến đâu.
Riêng con tôi, hồi mẫu giáo, tôi nói thẳng với cô giáo rằng "cứ đánh nếu cháu hư, có điều không được đánh vào nơi yếu hại, cũng như không được để lại ám ảnh tâm lý cho cháu, ví dụ như lôi vào nhà vệ sinh để xử kín nhằm tránh camera". Sự thống nhất và kết hợp giữa gia đình và nhà trường ấy giúp con tôi luôn ngoan ngoãn, nghe lời. Và tôi tin đó mới là cách dạy con đúng đắn nhất.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.