Chồng tôi cũng có tuổi thơ bị đòn roi vô lý rất nhiều vì bố mất từ lúc anh còn trong bụng mẹ, gia đình phải tha phương cầu thực. Nhà có chín anh em, mà anh là con út nên ai cũng có thể đánh để "dạy dỗ". Chồng bị đánh cả trong bữa ăn, thậm chí bị đánh chỉ vì "thấy ngứa mắt". Tôi cũng chỉ được biết điều này qua những lời "khoe khoang" của người nhà chồng. Nghe anh chồng kể vụ trói tay anh, treo lên cột nhà mà đánh cả buổi như một "chiến công" mà tôi thấy sợ hãi.
Tôi chỉ "thấm" được hậu quả của những điều này khi con mình ra đời. Chỉ cần người thân làm khó gì, hay công việc vướng mắc là chồng về trút lên con cái như kẻ thù vậy. Tôi thấy chồng hằm hằm lấy bài vở ra dạy con là y như rằng sau đó sẽ có một trận đòn khủng khiếp giáng xuống. Hay cứ tới bữa ăn mà con ăn uống khó coi là chồng sẵn sàng vung tay tát con. Có những buổi sáng gọi mãi con không dậy là anh nhào lên giường đạp con xuống luôn.
Thậm chí, nhà chồng tôi không những không can ngăn mà còn hùa theo. Họ nói: "Phải đánh vậy mới ngoan, thấy cha nó thành công vậy cũng là nhờ hồi nhỏ ăn đòn miết đấy". Quá kinh sợ cách giáo dục bằng đòn roi ấy, tôi phải ly thân chồng một thời gian dài, đến khi con có thể tự vệ trước cha mình. Tôi luôn dạy con biết phòng ngừa bị đánh mỗi khi bố đến thăm hay đưa về nhà chơi.
Cũng may, sau một thời gian, giờ chồng tôi đã bớt tính bạo lực. Con tôi cũng đã lớn khôn hơn và hòa hợp được với bố, biết cách làm giảm áp lực, giải tỏa cơn giận cho bố. Tất nhiên, lâu lâu chồng tôi vẫn còn lên cơn bộc phát, nhưng chỉ la hét to tiếng chứ không động chân động tay nữa. Tôi biết chồng cũng chỉ là nạn nhân của đòn roi nhưng nói thật nhiều khi cũng khó đồng cảm được.
>> Tôi muốn đập phá đồ để giải tỏa vì ám ảnh đòn roi của bố
Giờ cứ mỗi khi nghe chuyện ai đó chốt cửa lại đánh con là tôi lại rùng mình. Họ đánh không phải vì con cái sai, mà để dằn mặt người lớn (vợ, mẹ, nhà ngoại...). Thế nên, cứ mâu thuẫn, ức chế trong cuộc sống là họ lôi con cái ra đánh đập để cảm thấy bớt tự ti, thỏa mãn cơn giận và mong muốn đạt mục đích dằn mặt người khác dưới danh nghĩa dạy con.
Và rồi, hậu quả là nhiều đứa con khi trưởng thành lại nối tiếp "truyền thống roi vọt" đó để giải tỏa ấm ức tuổi thơ, bất công và bạo lực mà mình đã gánh chịu. Câu chuyện đó sẽ kéo dài rất dai dẳng và nối tiếp từ thế hệ này sang thế hệ khác, nếu không được ngăn chặn kịp thời.
Thật sự con tôi ít nhiều cũng bị ảnh hưởng bới cách giáo dục sai lầm đấy. Bề ngoài con có vẻ hiền lành, nhưng khi cọc lên cũng mất kiểm soát hành động, dù chưa dùng bạo lực với ai. Ngẫm lại mới thấy, chồng tôi cũng chỉ thực sự bộc lộ tính bạo lực khi có con và chỉ làm vậy với con. Nên tôi cũng sợ con mình sau này cũng sẽ làm điều tương tự. Tôi chỉ mong mình có đủ sức khỏe để đồng hành tiếp cùng con, giúp con thoát được ám ảnh tuổi thơ.
- Nhiều cha mẹ không muốn từ bỏ quyền 'cho roi, cho vọt'
- Nhiều cha mẹ xem con cái là 'bao cát' để trút giận
- Đòn roi là cách ba mẹ tôi thể hiện yêu thương với con cái
- Tôi 'ăn đòn để lớn'
- 'Dùng đòn roi dạy con thành tiến sĩ'
- 55 năm chán ghét về nhà vì 'đòn roi đợi sẵn'