"Nói về những tranh luận thời gian gần đây về việc điều chỉnh mức xử phạt nồng độ cồn, tôi không biết có ai bị phạt vì hơi thở có nồng độ cồn 0,001 mg/lít khí thở chưa? Chứ tôi biết CSGT luôn có hai thiết bị đo độ cồn của người điều khiến phương tiện. Thiết bị đầu để test nhanh, thường đo đến là 0,001 mg/lít khí thở. Nếu phát hiện có cồn, họ mới lấy thiết bị chính xác hơn ra kiểm tra lại.
Vậy nếu bạn thổi ra kết quả nồng độ cồn 0.001 mg/lít khí thở thì cứ nói rõ lý do (uống thuốc, ăn trái cây, uống nước ngọt...) và xin chờ 10 phút sau thổi lại. Nếu kết quả kiểm tra lại bằng 0 thì bạn sẽ được cho đi, chứ chẳng ai lại bắt thổi tiếp. Vậy nên những trường hợp nói rằng bị phạt oan dù không uống bia, rượu, theo tôi là thiếu thuyết phục.
Bản thân tôi mới uống lúc 12h trưa nay khoảng hơn năm lon bia. Đến 15h30 đo lại chỉ còn 0,27 mg/lít khí thở và đến 19h thì về mức 0 độ cồn. Người bình thường uống một lon bia tương đương mức 0,35 mg/lít khí thở, và sau 1,5 giờ sẽ về 0. Tôi uống hơi yếu mà còn đào thải cồn được như vậy thì người bình thường có lẽ còn nhanh hơn. Nếu bạn uống hai lon bia mà sau bốn, năm tiếng vẫn còn nồng độ cồn thì theo tôi tốt nhất không nên uống để rồi mất công tranh cãi khi bị xử phạt.
Tất nhiên, thời gian đào thải cồn còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Có những lúc cơ thể bạn mệt mỏi sẵn, nên mặc dù chỉ uống một lon bia và chạy xe ngoài nắng nó vẫn dễ dẫn đến cảm giác buồn ngủ, mất tập trung, thiếu tỉnh táo. Dù rằng trường hợp trên không đại diện số đông nhưng nó vẫn có thể xảy ra, nên tôi cho rằng bớt uống bia, rượu đi được chút nào hay chút đó.
>> 'Nồng độ cồn bằng 0 vì một lon bia có thể tước đi mạng người'
Ở đây, tôi ủng hộ giữ nguyên mức xử phạt nồng độ cồn để mang tính răn đe. Ai cũng tính mình chỉ uống một chút thôi, nồng độ cồn chỉ ở mức thấp, bị phạt cũng sẽ nhẹ nhàng. Nhưng khi đã uống vào rồi thì lại mất kiểm soát, lúc đó lại lái xe ra đường và gây tai nạn, hậu quả còn lớn hơn rất nhiều. Theo tôi, mức phạt cần đủ mạnh để khiến mỗi người phải cân nhắc không uống hoặc uống một ít cũng ráng mà chờ cho đến khi hết hoàn toàn cồn trong hơi thở mới được lái xe. Đó mới là giá trị lớn nhất của luật.
Bản thân tôi cũng hiếm khi uống bia, rượu và khi có dịp phải uống thì sẽ đi xe buýt, đặt xe công nghệ cho khỏe và đỡ phải lăn tăn. Nói gì thì nói, uống nhiều rượu, bia chỉ có hại cho sức khỏe, vừa tốn tiền nhậu, lại tốn thêm tiền phạt. Lỡ gây tai nạn nghiêm trọng thì càng lớn chuyện hơn. Thay vào đó, tôi chọn uống mấy món như socola, nước ngọt... cho lành".
Đó là quan điểm của độc giả TTN sau bài viết "Nồng độ cồn bằng 0 vì một lon bia có thể tước đi mạng người". Thời gian qua, Bộ Công an đề xuất giảm tiền phạt nếu người lái xe có nồng độ cồn chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc 0,25 mg/lít khí thở; giảm phạt tiền với người đi xe đạp vi phạm nồng độ cồn. Sau khi được đưa ra, những đề xuất này nhận được ý kiến trái chiều, cả đồng tình và phản đối.
Những người phản đối đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành vì phạt nặng vi phạm nồng độ cồn đã giúp người tham gia giao thông có ý thức về việc "đã uống rượu bia thì không lái xe", đồng thời bày tỏ lo ngại giảm tiền phạt có thể khuyến khích người dân uống rượu bia khi lái xe, dẫn đến tăng nguy cơ tai nạn giao thông. Trong khi đó, nhưng ý kiến khác ủng hộ đề xuất giảm tiền phạt cho người vi phạm nồng độ cồn ở mức thấp để dung hòa lợi ích giữa các bên, tránh gây phản ứng tiêu cực từ cộng đồng.
- 'Phạt 200.000 đồng người đi xe đạp uống một lon bia đủ để cảnh cáo'
- Sợ đến già sau một lần được oai khi lái ôtô đi nhậu
- Nhóm bạn nhậu chia tiền phạt nồng độ cồn 7 triệu đồng
- 'Bị tước giấy phép lái xe 10 tháng vì ly rượu uống từ 15 tiếng trước'
- 'Nồng độ cồn bằng 0' khiến nhiều người chưa tâm phục
- Kích cầu quán ăn sau nồng độ cồn bằng '0'