"Đọc những tranh luận về câu chuyện xử phạt vi phạm nồng độ cồn sau đề xuất giảm tiền phạt mới đây, tôi thấy nhiều ý kiến phản đối khi Bộ Công an bảo lưu quan điểm quy định nồng độ cồn bằng 0 khi điều khiển phương tiện. Theo tôi, những người đó có lẽ chưa gặp trường hợp mất đi người thân vì rượu, bia nên mới có suy nghĩ như vậy.
Một người bạn của tôi từng mất đi người anh họ chỉ vì một người lái xe khi trong người có nồng độ cồn. Thực tế, người lái xe đó trước khi gây tai nạn chỉ uống chưa đến một lon bia và khẳng định mình hoàn toàn tỉnh táo.
Hiện nay, chúng ta có thiết bị đo nồng độ cồn, nhưng không hề có thiết bị đo chính xác mức độ tỉnh táo khi cầm lái. Kể cả dù chỉ uống một ly rượu, cốc bia nhỏ, cũng có thể khiến một người mất đi sự tỉnh táo và vô tình gây tai nạn, tước đi mạng sống của người khác hoặc chính bản thân mình.
Có những người uống một lon bia hay một ly rượu đã say rồi. Thế nên, sự tỉnh táo, làm chủ lý trí của mỗi người là khác nhau. Vin vào nồng độ cồn mức thấp để phán đoán sự tỉnh táo cũng nguy hiểm chẳng kém. Và vì nước ta chưa đủ lực để CSGT tuần tra mỗi ngày, luật giao thông cũng chưa đủ chặt chẽ và nghiêm khắc, nên quy định nồng độ cồn ở mức 0 tuyệt đối khi lái xe có thể xem là tiền đề giúp chấn chỉnh lại ý thức giao thông và thay đổi ý thức của người dân.
Tôi không đổ lỗi cho rượu, bia. Việc uống bia, rượu cũng không hề xấu. Nhưng chính sự mất kiểm soát hành vi, thiếu ý thức của đa phần người uống rượu, bia đã khiến cho hình ảnh nhậu nhẹt bị xấu xí đi trong mắt xã hội. Thế nên luật nồng độ cồn được ban ra để đánh vào việc thay đổi nhận thức, để tạo văn hóa nhậu lành mạnh, chứ không phải cấm người dân uống rượu, bia hoàn toàn.
>> 'Giảm tiền phạt để tránh hàm oan người uống một ly rượu uống từ hôm trước'
Nếu bạn cho rằng bản thân 'mạnh đô' hơn người khác thì cứ việc thỏa thích uống rượu, bia, nhưng chỉ là xin đừng cầm lái sau khi nhậu. Nếu biết mai còn phải đi làm thì đừng nhậu 'tẹt ga'. Nếu biết cơ thể mình đào thảo cồn chậm thì uống ít lại. Chưa đủ an tâm sau khi nhậu thì hôm sau đi làm cứ đi xe ôm, taxi, hay đi bộ là được. Đừng làm liều rồi đến khi bị CSGT xử phạt lại lý luận "uống từ hôm trước, không biết còn hơi men vì thấy mình rất tỉnh táo rồi".
Thật ra nhậu cũng tốt, vì nó giúp con người hòa đồng, giao tiếp với nhau, giải tỏa căng thẳng, tạo công ăn việc làm... Nhưng ở Việt Nam, văn hóa nhậu nhẹt thay vì chỉ là dạng giải trí tạm thời, uống có ý thức, thì nhiều người lại uống vô độ, say xỉn, không quan tâm đến xung quanh. Và nhiều người trong số đó vẫn cố chấp cho rằng bản thân tỉnh táo, lái xe được, và gây họa cho bản thân và người xung quanh.
Tóm lại, không ai có quyền ép bạn không được uống bia, rượu, nhưng tự bạn phải biết tửu lượng cửa mình đến đâu, cơ địa của mình thế nào, có công việc gì sắp phải làm hay không mà tránh quá chén. Tự bản thân mỗi người phải tự nhận đòi bỏ số 0 tuyệt đối trên máy đo nồng độ cồn".
Đó là quan điểm của độc giả Thomasandy xung quanh đề xuất giảm tiền xử phạt vi phạm nồng độ cồn mức một đối với người điều khiển ôtô, môtô, xe máy chuyên dùng, được Bộ Công an đưa ra sau khi nhận ý kiến của một số bộ, ngành và người dân.
Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo một người đàn ông khỏe mạnh uống một ly rượu trong vòng một giờ thì nồng độ cồn đo được dưới mức 0,35 mg/lít khí thở và dưới 50 mg/ml máu. Lượng nhỏ rượu bia có thể không gây ảnh hưởng quá lớn đến khả năng lái xe nên Bộ đề xuất giảm tiền phạt với người uống ít. Tuy nhiên, Bộ cũng bảo lưu quan điểm quy định nồng độ cồn bằng 0khi điều khiển phương tiện để giúp người lái xe tránh tình trạng "bị ép uống rượu".
- Sợ đến già sau một lần được oai khi lái ôtô đi nhậu
- Nhóm bạn nhậu chia tiền phạt nồng độ cồn 7 triệu đồng
- 'Bị tước giấy phép lái xe 10 tháng vì ly rượu uống từ 15 tiếng trước'
- 'Nồng độ cồn bằng 0' khiến nhiều người chưa tâm phục
- Kinh doanh quán ăn như tôi kiệt quệ sau nồng độ cồn bằng '0'
- Kích cầu quán ăn sau nồng độ cồn bằng '0'