Tôi đồng tình với các ý kiến cho rằng nên xem xét lại quy định 'cấm lái xe khi có nồng độ cồn'. Xin kể một trường hợp để làm rõ hơn về luận điểm này:
Tối chủ nhật vừa rồi, hàng xóm của tôi lái ôtô đi mua đồ, đậu xe sát lề đường đúng quy định. Sau đó, anh bị hai cậu choai choai phóng xe máy lạng lách đụng trúng. Khi cảnh sát tới xử lý và yêu cầu anh thổi nồng độ cồn thì kết quả bằng 0. Nhưng sau khi xét nghiệm máu lại cho ra mức 0,35 mg/dL. Kết quả, bảo hiểm từ chối đền bù cho anh. Ngược lại, anh còn phải đền tiền cho hai thanh niên kia vì có nồng độ cồn trong máu dù chẳng hề uống rượu, bia trước khi lái xe.
Tôi khi đi nhậu cũng tuyệt đối đi xe công nghệ chứ không bao giờ tự lái xe. Tối thứ bảy vừa rồi, anh em, bạn bè cũng qua nhà tôi uống rượu, đến nửa đêm mới nghỉ. Sau đó, họ ở lại nhà tôi, ngủ tới sáng, đi tập thể dục một vòng rồi về tắm cho sảng khoái. Sau đó, chúng tôi đi ăn sáng, uống cà phê bình thường.
12h trưa, chúng tôi đi đánh cầu, tập thể thao đến 15h mới về. Thế nhưng, trên đường về, tôi bị đo nồng độ cồn. Với mức nồng độ cồn là 0,053 mg/L khí thở, tôi bị phạt 2 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 10 tháng. Tất nhiên, luật quy định như vậy nên tôi cũng đành chấp hành, nhưng trong thâm tâm vẫn rất ấm ức bởi từ lúc nghỉ nhậu đến khi đo nồng độ cồn cũng hơn 15 tiếng đồng hồ rồi, tôi làm biết bao nhiêu việc, đâu còn say xỉn gì nữa.
Trước đó ít lâu, tôi bị viêm họng, nói không ra hơi, phải uống thuốc (trong đó có viên dầu cá mùi bạc hà), cả ngày ăn gì không rõ, nhưng khi đo nồng độ cồn vẫn ra kết quả 0,02 mg/L khí thở. Đo lại lần nữa thì vẫn ở mức 0,01 mg/L khí thở. Lúc đó, cổ họng tôi đau rát đến tắt tiếng luôn thì nhậu gì nổi. Cũng may, sau khi giải thích, các CSGT cũng thông cảm và cho tôi đi. Nhưng nói vậy để thấy quy định nồng độ cồn bằng 0 gây ra khá nhiều rắc rối cho người tham gia giao thông như tôi.
>> 'Nồng độ cồn bằng 0' khiến nhiều người chưa tâm phục
Bản thân tôi ủng hộ quy định "đã uống rượu, bia thì không lái xe" và muốn tăng mức phạt nặng hơn nữa với những người vi phạm. Nhưng theo tôi, vẫn nên nghiên cứu lại mức nồng độ cồn tối thiểu để tránh những tình huống bất cập như đã nêu ở trên. Hiện tại, mức phạt nồng độ cồn thấp nhất là 0.25 mg/L, nên hoàn toàn có thể quy định vùng xanh là 0.025 mg/L (thấp hơn 10 lần mức phạt thấp nhất).
Với mức nồng độ này thì cứ uống bia rượu chỉ một phần năm lon bia cũng vượt mức rồi. Nhưng với các lý do khác như thực phẩm, thuốc uống hay sai số của máy móc thì khó có thể đạt tới để bị phạt oan. Và việc này cũng tránh tình huống bảo hiểm lạm dụng quy định nồng độ cồn bằng 0 trong máu để gây khó khăn cho khách hàng.
Có thể nhiều người không làm nghề tài xế nên thấy cái sai số đó không quan trọng, chứ cánh tài xế chúng tôi thì sai số chỉ 0.01 mg/L khí thở cũng đã rất khác rồi. Khả năng cao là chúng tôi sẽ bị phạt và tước bằng lái dù bản thân chẳng hề uống rượu, bia trước khi lái xe. Khi đó mặc dù không làm gì sai nhưng chúng tôi vẫn bị phạt, vẫn bị mất việc và mất cả nguồn sống để nuôi gia đình. Vấn đề đó hoàn toàn không hề nhỏ và cần được cân nhắc lại cho thật thấu tình đạt lý.
- Kích cầu quán ăn sau nồng độ cồn bằng '0'
- 5 lý do tiếp tục cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe
- Bốn năm tranh cãi luật độ cồn bằng 0
- 'Bị phạt 7 triệu đồng vì chén rượu uống từ hôm trước'
- Hết lo mang tiếng 'không nể mặt' từ lúc có quy định độ cồn bằng 0
- Nồng độ cồn bằng 0 - 'bất tiện cũng phải chấp nhận'