"Cấm tuyệt đối nồng độ cồn là đúng và phù hợp với tình hình hiện tại. Điều đó không chỉ tăng an toàn giao thông mà còn giảm thói xấu ép uống rượu bia, giảm tiền chi cho bia rượu, giảm lãng phí thời gian, giảm tệ nạn khác liên quan. Còn các nhà hàng kinh doanh sẽ phải thích nghi với hoàn cảnh mới, không thể kinh doanh trên tính mạng và sức khỏe người khác được. Còn ai chưa nhất trí cũng cần xem lại thái độ của bản thân trước các vấn đề không có lợi cho cộng đồng".
Đó là quan điểm của độc giả Nganngatrung khi Quốc hội chốt cấm tuyệt đối nồng độ cồn với người điều khiển phương tiện khi thông qua dự Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, sáng 27/6. Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin ý kiến đại biểu bằng phiếu điện tử. Kết quả, 293/388 đại biểu tham gia (75,52%) nhất trí cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. 95 đại biểu (24,48%) đề nghị có mức giới hạn thấp nhất và 8 đại biểu thêm ý kiến khác.
Ủng hộ quan điểm "đã uống rượu, bia thì không lái xe", bạn đọc Eli Huy chia sẻ: "Nên duy trì biện pháp kiểm soát nồng độ cồn nghiêm ngặt như hiện nay. Làm được vậy, có lẽ chỉ hai năm nữa thôi là văn hóa rượu bia của người dân sẽ thay đổi căn bản. Giờ mỗi khi đi ăn uống, tôi cũng không còn thấy cảnh ép nhau uống nữa rồi. Thực tế, tôi cũng từng chứng kiến người bị phạt lỗi nồng độ cồn gọi nhóm bạn ép rượu đến để chia tiền phạt 7 triệu đồng".
"Ngay từ đầu tôi đã ủng hộ cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi điều khiển xe rồi. Dù hơi bất tiện cho nhiều người, dù có thể khiến các doanh nghiệp sản xuất bia rượu, nhà hàng, quán nhậu giảm doanh thu, nhưng lợi ích cho toàn xã hội là vô cùng to lớn. Đặt sự an toàn của cộng đồng lên cao nhất là hoàn toàn đúng đắn", độc giả An An nhấn mạnh.
>> 'Bị tước giấy phép lái xe 10 tháng vì ly rượu uống từ 15 tiếng trước'
Trước những lo ngại về trường hợp không uống rượu, bia mà vẫn có nồng độ cồn trong máu, bạn đọc Black Cat phân tích: "Đồng ý cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe. Tất nhiên, máy đo cũng có khoảng dung sai nhất định nhưng vẫn có cách giải quyết. Ví dụ, máy đo có dung sai 0.04 thì cứ phạt thẳng tay từ mốc 0.05, thế là xong. Giống như biển tốc độ tối đa là 60 km/h vậy, ai cũng hiểu là cấm tuyệt đối xe chạy từ 60 km/h nhưng thực tế 65 km/h mới bị phạt. Còn người chạy trên 60 km/h một chút mới chỉ bị nhắc nhở vì có thể máy đo có dung sai".
Nhấn mạnh những lợi ích của quy định nồng độ cồn bằng 0, độc giả Duccuong cho rằng: "Cấm tuyệt đối là tốt. Trường hợp không uống bia rượu mà vẫn phát hiện cồn do nguyên nhân khách quan, hay bệnh lý, thì mọi người đều được quyền khiếu lại sau khi có kết quả kiểm tra của bệnh viện. Cấm tuyệt đối là đảm bảo sức khỏe cho mọi người, mọi nhà và tôi ủng hộ cả hai tay".
"Hoàn toàn ủng hộ dự luật. Tuy nhiên, cũng nên có chính sách phát triển hệ thống giao thông công cộng ở các địa phương thì luật sẽ dễ đi vào đời sống và được ủng hộ nhiều hơn. Ở các thành phố lớn dịch vụ công cộng phát triển thì không có vấn đề gì, nhưng hiện nay ở những nơi kinh tế chưa phát triển bằng, việc cấm tuyệt đối nồng độ cồn cũng có nhiều ảnh hưởng, hạn chế tới đời sống sinh hoạt của người dân. Do đó, rất mong các cơ quan quản lý sớm có giải pháp cụ thể để gỡ rối", bạn đọc Phamdiepdzl kết lại.
- Nhiều quán nhậu vẫn đắt khách dù siết nồng độ cồn bằng '0'
- Kinh doanh quán ăn như tôi kiệt quệ sau nồng độ cồn bằng '0'
- Kích cầu quán ăn sau nồng độ cồn bằng '0'
- 5 lý do tiếp tục cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe
- Bốn năm tranh cãi luật độ cồn bằng 0
- 'Bị phạt 7 triệu đồng vì chén rượu uống từ hôm trước'