"Tôi hoàn toàn nhất trí với quan điểm đã uống rượu, bia thì không lái xe. Nhưng cần nói thêm rằng, các thiết bị đo nói chung trên đời này bao giờ cũng có sai số, bởi vậy cần có ngưỡng cho phép để loại bỏ sai số, không có gì là tuyệt đối cả. Ai cũng biết lái xe trong tình trạng không tỉnh táo sẽ nguy hiểm cho người đi đường và bản thân tài xế, cũng như hành khách trên xe, nhưng không tỉnh táo còn do nhiều nguyên nhân khác ngoài rượu, bia như: buồn ngủ, các nguyên nhân y khoa, tâm trạng đang không ổn định... Thế nên, không phải cứ cấm rượu, bia là xong, là ngăn chặn được hầu hết tai nạn giao thông".
Đó là quan điểm của độc giả Doandungsaigon xung quanh việc Quốc hội sẽ bỏ phiếu quyết định 'cấm lái xe khi có nồng độ cồn'. Đại biểu sẽ lực chọn một trong hai phương án: đồng ý hoặc không đồng ý cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe. Trước đó, có ý kiến đề nghị làm rõ độ nhạy của máy đo nồng độ cồn để tránh nhầm lẫn với những trường hợp do bệnh lý. Tuy nhiên, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chuyên gia y tế đã giải thích cồn nội sinh là cồn tự sinh ra trong cơ thể nhưng có nồng độ rất thấp. Phương tiện kiểm tra thông thường không thể phát hiện được.
Đồng tình với nhận định trên, bạn đọc SH bổ sung thêm: "Quan điểm của tôi là khi đã uống rượu, bia thì sau đó tuyệt đối không được lái xe. Vì không ai đảm bảo là mình 100% tỉnh táo, cho dù nồng độ cồn trong máu là bao nhiêu. Tuy nhiên, cái cần cân nhắc ở đây là trường hợp nếu ngày hôm trước liên hoan, uống khá nhiều, nhưng cơ địa không đào thải được hết. Đến ngày hôm sau, dù tỉnh táo điều khiển phương tiện ra đường nhưng thổi nồng độ cồn vẫn bị xử phạt như thường thì phải xem phương án xử lý cho phù hợp".
>> Kích cầu quán ăn sau nồng độ cồn bằng '0'
Ủng hộ việc cân nhắc lại quy định xử phạt nồng độ cồn để tránh oan sai, độc giả Dungnguyen bình luận: "Tôi chỉ uống rượu, bia khi gặp anh em, bạn bè trong những buổi tiệc, giỗ chạp và không bao giờ uống quá hai lon bia. Quan điểm của tôi là uống để vui, để dễ chuyện trò chứ không phải uống để say. Tôi cũng không ưa những người uống vào là không tự chủ được bản thân, kể cả trong lời nói, hành vi. Tôi ủng hộ xử phạt thật nặng những người uống rượu, bia mà vẫn lái xe, gây hại cho người khác. Tuy nhiên, tôi cho rằng Quốc hội nên xem xét lại quy định nồng độ cồn bằng '0' vì đó là hai vấn đề khác nhau và dễ bị lạm dụng".
"Thực sự, tôi rất lo ngại những người say xỉn không làm chủ được hành vi mà vẫn tham gia giao thông. Nhưng tôi thấy quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn chưa hoàn toàn phù hợp. Nếu lấy lý do cấm tuyệt đối nồng độ cồn thì ngoài rượu, bia ra, các chất kích thích khác như thuốc lào, thuốc lá, một số loại thuốc tân dược khác cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng tỉnh táo của tài xế", bạn đọc Phạm Dũng nói thêm.
Trong khi đó, độc giả ủng hộ giữ nguyên quy định "nồng độ cồn bằng 0", độc giả Lê Khanh phản biện: "Tôi ủng hộ cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe trong giai đoạn hiện nay. Các bạn cần phải nhìn rộng ra, luật này nếu nói về điều chỉnh hành vi giao thông là sáu phần thì điều chỉnh văn hóa là 10 phần. Để ưu tiên phát triển kinh tế, xây dựng văn hóa làm việc lành mạnh, chúng ta cần loại bỏ thói quen nhậu nhẹt nơi công sở, rượu bia sau giờ làm, tiệc tùng liên miên, karaoke tràn lan. Hãy tập trung học tập, làm việc, quan tâm gia đình, con cái. Khi đời sống đa số người dân lên mức cao như Singapore rồi thì quay lại xem xét luật này cũng chưa muộn".
Đó cũng là quan điểm của bạn đọc Nhat Vuong cho rằng: "Sao rượu bia lại quan trọng với các bạn như vậy? Bạn uống bia hay rượu mà còn lái xe thì không cảm thấy xem thường tính mạng người khác sao? Các bạn cứ ra đường sẽ thấy vô số quán nhậu, những quán này mọc lên như nấm, từ bình dân cho đến cao cấp, các thế hệ thanh niên cho đến các chú các bác vùi đầu trong men say. Ra nước ngoài, họ biết đến Việt Nam là từ '1, 2, 3 dô', văn hóa nhậu nhẹt bê tha, chứ không phải vì nước ta giàu mạnh. Tôi thấy cần dùng quy định nồng độ cồn bằng 0 để từng bước làm giảm số lượng dân nhậu nhẹt lại".
- 5 lý do tiếp tục cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe
- Bốn năm tranh cãi luật độ cồn bằng 0
- 'Bị phạt 7 triệu đồng vì chén rượu uống từ hôm trước'
- Hết lo mang tiếng 'không nể mặt' từ lúc có quy định độ cồn bằng 0
- Nồng độ cồn bằng 0 - 'bất tiện cũng phải chấp nhận'
- 'Độ cồn bằng 0 sẽ hạn chế xe cá nhân'