"Giảm phạt tiền với người đi xe đạp vi phạm nồng độ cồn cũng là một đề xuất hợp lý. Nồng độ cồn 50 mg/100 ml máu chỉ tương đương người uống một lon bia, còn tỉnh táo, nên số tiền phạt mới giảm xuống vừa đủ như một cách để cảnh cáo người vi phạm.
Ở Mỹ, trước khi đo nồng độ cồn, cảnh sát còn thực hiện bài test DUI để kiểm tra độ minh mẫn, tỉnh táo của người lái xe. Nhiều người chỉ uống một chai bia là đủ bị thổi phạt nồng độ cồn với quy định 80 mg/100 ml máu nhưng nếu họ vượt qua bài test DUI thì vẫn được cho đi bình thường vì cơ bản cơ thể mỗi người hấp thụ bia rượu mỗi khác. Có người chỉ uống một chai đã say mèm, nhưng có người chỉ như uống nước lọc, nên mức quy định chỉ được dùng như thang đo mềm để phạt bạn khi tài xế không chứng minh được mình đủ tỉnh táo để lái xe thôi.
Ở Việt Nam, chúng ta rất khó để áp dụng hình thức kiểm tra độ tỉnh táo này, nên sử dụng thang đo cứng để phạt cũng là hợp lý. Việc luật mới quy định người có nồng độ cồn 50 mg/100 ml máu bị phạt 200.000 đồng là công bằng và phù hợp. Nhưng cũng nên áp dụng thêm trường hợp nếu người nào tái phạm trong thời gian ba tháng hay nửa năm thì mức phạt sẽ tăng lên gấp đôi".
Đó là quan điểm của độc giả Long Nguyễn xung quanh đề xuất của Bộ Công an về giảm phạt tiền với người đi xe đạp vi phạm nồng độ cồn. Theo đó, người đi xe đạp có nồng độ cồn quá 50 đến 80 mg/100 ml máu hoặc quá 0,25 đến 0,4 mg/lít khí thở bị đề xuất phạt 100.000-200.000 đồng, giảm 200.000 đồng so với hiện nay.
Ủng hộ quan điểm trên, bạn đọc Ha Hoang cho rằng: "Giảm tiền phạt có nhiều tác động tích cực: thứ nhất là để người dân dễ thở hơn khi tham gia giao thông, thứ hai là để tránh những phản ứng tiêu cực trong trường hợp người tham gia giao thông sau một thời gian uống bia rượu nhưng trong hơi thở vẫn còn nồng độ cồn".
>> 'Giảm tiền phạt để tránh hàm oan người uống một ly rượu từ hôm trước'
Trong khi đó, với quan điểm trái chiều, độc giả Lên Lưới hoài nghi: "Theo thống kê và báo cáo, chính sách về kiểm soát nồng độ cồn khi tham gia giao thông của chúng ta đang rất tốt, tỷ lệ vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông và tỷ lệ tai nạn do vi phạm nồng độ cồn giảm hẳn. Vậy đáng lẽ chúng ta phải giữ nguyên, thậm chí tăng nặng thêm mức phạt để răn đe thay vì giảm. Liệu giảm mức phạt có làm tăng tai nạn giao thông không?".
Có cùng lo lắng về việc giảm mức phạt tiền người đi xe đạp vi phạm nồng độ cồn, bạn đọc Nguyenmyquyen nhận định: "Đã phạt thì phải nghiêm mới mong răn đe và bỏ thói quen xấu của người dân được. Nếu thấy mức độ cồn không hợp lý thì thà bỏ hẳn số 0 tuyệt đối và chấp nhận trong giới hạn cho phép. Còn khi đã thống nhất cấm tuyệt đối nồng độ cồn thì phải tăng nặng mức xử phạt với người có nồng độ cồn vượt quá quy định".
"Giảm mức phạt sẽ không hợp lý vì dù đi xe đạp cũng có thể gây nguy hiểm nghiêm trọng khi họ có nồng độ cồn, chạy ẩu, làm các phương tiện khác phải tránh họ, gây tai nạn giao thông", độc giả Thien Tam nói thêm.
- Sợ đến già sau một lần được oai khi lái ôtô đi nhậu
- Nhóm bạn nhậu chia tiền phạt nồng độ cồn 7 triệu đồng
- 'Bị tước giấy phép lái xe 10 tháng vì ly rượu uống từ 15 tiếng trước'
- 'Nồng độ cồn bằng 0' khiến nhiều người chưa tâm phục
- Kinh doanh quán ăn như tôi kiệt quệ sau nồng độ cồn bằng '0'
- Kích cầu quán ăn sau nồng độ cồn bằng '0'