Tôi là tác giả bài viết "Đi xe buýt làm gì cho khổ". Sau những chia sẻ về chất lượng xe buýt tại Việt Nam, tôi đã nhận được khá nhiều ý kiến phản hồi từ phía độc giả VnExpress. Để giải đáp những thắc mắc của bạn đọc, ở bài viết này, tôi sẽ làm rõ hơn một số vấn đề để bảo vệ quan điểm của mình.
Thực tế, xe buýt và phương tiện giao thông công cộng nói chung luôn có những hạn chế nhất định so với xe cá nhân, nhưng trước câu hỏi của nhiều người rằng "đi xe buýt làm gì cho khổ", tôi muốn trả lời rằng bản thân mình không hề thấy khổ. Thậm chí, tôi từng rất sung sướng khi đi xe buýt ở nội đô Kyoto (Nhật Bản). Ở đó, xe cực kỳ sạch sẽ, có màn hình TV hiển thị chỉ dẫn bằng video: cách đeo ba lô, cách để vali, hành lý, cách dùng thẻ để quẹt khi lên xe, điểm đến sắp tới, giá vé xe buýt dành cho người lớn và cho trẻ em... Tất cả đều bằng hai ngôn ngữ là tiếng Nhật và tiếng Anh.
Tôi còn nhớ cảm giác mình và con gái vừa đi xe buýt, vừa ngắm cố đô xinh đẹp của đất nước "mặt trời mọc", cảm thấy rất thoải mái và vui vẻ, dù thực tế đi xe buýt chậm hơn rất nhiều so với gọi taxi. Xe chạy qua vài bến thì đột nhiên dừng lại, tài xế nhanh nhẹn chạy xuống đường đầu tiên. Ban đầu, chúng tôi tưởng có sự cố hay trục trặc gì, nhưng nhìn sang phía hông xe, tôi nhận ra một người khuyết tật ngồi xe lăn đang đợi sẵn.
Tài xế nhanh nhẹn kéo ra một phụ kiện gì đó ở gầm xe, nhẹ nhàng đẩy vị hành khách kia lên xe một cách an toàn. Xong xuôi, anh đóng cửa và lên ghế lái để tiếp tục hành trình. Toàn bộ thao tác chỉ diễn ra trong chưa đầy một phút, như thể nó đã được lập trình sẵn, và người tài xế cũng đá quá quen với công việc này.
>> Văn hóa nhường chỗ trên xe buýt 'tiến hóa lùi'
Đến Osaka, chúng tôi mua thẻ "Osaka Amazing 1 day Pass" với giá 2.800 yên (khoảng 500.000 đồng) và được đi tất cả các tuyến xe buýt, tàu điện (không giới hạn số chuyến) trong vòng một ngày tại đây. Đồng thời, chúng tôi cũng được vào cửa miễn phí khoảng 40 điểm du lịch nổi tiếng (trong khi giá vé lẻ mỗi điểm đã có thể lên đến 1.500 yên).
Dịch vụ tương tự cũng có tại Toulouse (Pháp), khi chúng tôi cũng mua thẻ một ngày "Toulouse Tourism Pass 24h" với giá 18 euro (khoảng 468.000 đồng) để đi mọi nơi trong thành phố, bằng mọi phương tiện công cộng: tàu điện, tàu điện ngầm, xe buýt, và tham quan những công trình đẹp nhất của Toulouse. Thẻ cũng bao gồm vé khứ hồi đi sân bay, trong khi giá vé tàu lẻ một chiều ra sân bay cũng đã là 9 euro.
Nhân nói về việc di chuyển ra sân bay, ở New Delhi (Ấn Độ), các bạn có tin không khi chúng tôi đi từ trung tâm thủ đô đến sân bay quốc tế Indira Gandhi bằng một chuyến tàu rất sạch đẹp và hiện đại, với giá vé chỉ 50 rupee (tức khoảng 15.000 đồng) và chỉ mất có vỏn vẹn 14 phút. Họ cũng có xe buýt với giá vé tương tự nhưng tốn thời gian hơn.
Các bạn thấy đấy, ở tất cả những nước mà chúng tôi từng đi, phương tiện công cộng luôn là ưu tiên hàng đầu vì giá rẻ, nhiều tiện ích lại vô cùng thoải mái. Trên xe buýt của họ hầu như đều có bảng thông tin bằng cả tiếng bản địa và tiếng Anh, một số nước thậm chí còn có hướng dẫn bằng 3-4 ngôn ngữ phổ biến khác. Thế nên, cứ sắp đến bến nào là sẽ có loa hoặc chữ điện tử thông báo rõ ràng để hành khách không bị lỡ chuyến.
Tại các điểm dừng đón trả khách cũng đều có biển đề tên bến và số hiệu tuyến buýt với cỡ chữ to, màu sắc nổi bật, đứng từ xa tôi cũng có thể nhìn thấy. Một số thành phố hiện đại, ở điểm chờ xe buýt còn có bảng điện tử hiển thị xe số mấy sắp vào bến trong vòng bao nhiêu phút, để hành khách chủ động đứng lên xếp hàng đón xe. Tóm lại, họ có vô số tiện ích, phục vụ tối đa cho người dân và khách du lịch sử dụng xe buýt và phương tiện công cộng cảm thấy dễ chịu, thoải mái nhất.
>> Tôi chỉ đi xe buýt khi bất tiện 'vừa phải'
Trong khi đó, ở Việt Nam, chúng tôi chưa bao giờ thấy được những tiện ích như thế khi đi xe buýt. Thậm chí, ngay cả bảng thông tin tối thiểu là tên của mỗi bến đỗ đôi khi cũng không có; còn thái độ phục vụ của tài xế và phụ lái thì chẳng cần nói nhiều, ai từng đi xe buýt Việt hẳn cũng ít nhiều nếm mùi. Thế nhưng, dù là vậy, tôi vẫn chưa bao giờ than khổ khi đi xe buýt cả. Bởi vì xét cho cùng, sử dụng phương tiện công cộng là một lựa chọn cá nhân, một trách nhiệm xã hội hiển nhiên. Nó hiển nhiên như việc hàng ngày bạn tiết kiệm điện, nước, không bỏ phí thức ăn, không xả rác, không làm ô nhiễm tiếng ồn vậy.
Hơn mười năm qua, dù kinh tế khá giả hơn, nhưng gia đình tôi luôn cố gắng sử dụng phương tiện công cộng bất cứ khi nào có thể. Bởi vì đi nhiều, đọc nhiều, xem nhiều, nên chúng tôi càng hiểu rằng, có những xu hướng trên thế giới là tất yếu, và sớm hay muộn người Việt cũng phải theo. Không một nước nào có thể phát triển mà không cải thiện giao thông công cộng, và đây không phải là trách nhiệm riêng của một tổ chức nào đó, mà là của toàn dân, của mỗi người trong xã hội.
Trong lần gần nhất, khi bị tài xế xe buýt yêu cầu xuống xe và từ chối vận chuyển, chỉ vì chúng tôi "đi ra sân bay mà lại mang hành lý theo người", con gái tôi (đang học cấp ba) có hỏi: "Sao mẹ không gọi đến đường dây nóng của họ để phản ánh, nếu ai nhìn thấy điều bất cập mà cũng im lặng thì đến bao giờ giao thông nước mình mới khá lên được?". Tôi nói với con: "Đây không phải là vấn đề của riêng tài xế này, chuyến xe này, nó cần phải được sự chia sẻ rộng rãi của toàn xã hội mới mong thay đổi được thực trạng, chứ không phải để kêu ca phàn nàn, hay để xả giận đối với một cá nhân nào".
Ở bài viết trước, có một số ý kiến nói rằng "chọn tuyến giá rẻ thì chất lượng thấp là phải rồi", và rằng "đừng có so sánh nước mình với nước khác". Thực ra, không cần học kinh tế hoặc có kinh nghiệm kinh doanh nhiều năm cũng có thể biết rằng, quan niệm "trả tiền ít thì cố mà chịu" đã lỗi thời từ lâu. Trong mọi ngành dịch vụ, dù với mức giá bao nhiêu thì nhà cung cấp cũng phải đảm bảo tính chuyên nghiệp, an toàn và mức chất lượng tối thiểu, nhất là khi dịch vụ đó ảnh hưởng tới hàng triệu cư dân. Chúng ta có thể chưa có điều kiện áp dụng ngay những công nghệ, thiết bị hiện đại của thế giới, song cách phục vụ văn minh và những tiện ích tối thiểu thì không có lý do gì mà không làm được.
>> Năm lý do nhiều người Việt 'không đón nhận xe buýt'
Có người lại hỏi: "Thế sao đi sân bay, mang theo hành lý mà không gọi taxi?". Quả thật, nếu đi taxi, chúng tôi chỉ mất 25 phút, trong khi mỗi lần đi xe buýt phải tốn ít nhất 80 phút, bao gồm cả thời gian đi bộ ra bến, chờ xe, và chạy xe trên đường, trong khi thái độ phục vụ của tài xế taxi luôn khác hẳn với tài xế và phụ lái xe buýt. Đúng là taxi sướng hơn biết bao nhiêu, nhưng tôi không cam lòng làm vậy. Làm vậy quá đơn giản với chúng tôi, nhưng nếu ai cũng làm vậy thì giao thông công cộng còn ý nghĩa gì nữa?
Hà Nội khi tôi ra đời, dù còn nghèo nhưng thật xanh mát, trong lành, dễ chịu. Nhưng rồi bây giờ thành phố toàn những khối bê tông, mở mắt ra là tắc đường, rác thải khắp nơi, và ô nhiễm khói bụi đến báo động... Tôi muốn làm chậm lại quá trình "xấu hóa" ấy, dù chỉ bằng những hành động nhỏ nhoi, mà một trong số đó là đi xe buýt.
Hơn thế nữa, chúng tôi muốn để lại cho con cháu một nhân sinh quan, một thái độ sống tích cực. Thế hệ của các cháu sẽ cần nhận thức rõ ràng hơn, thế nào là văn minh, thế nào là phát triển, thế nào là bền vững, và thế nào là trách nhiệm xã hội? Thế hệ các cháu sẽ coi phương tiện công cộng là bạn đường hàng ngày, chứ không cần ra trường đi làm "cày cuốc" thật nhiều tiền để cố sức mỗi người mua lấy một cái ôtô.
Tôi không muốn đợi đến ngày vỉa hè Hà Nội hoàn toàn thông thoáng, ngày mà tàu điện ngầm và tàu trên cao chạy vun vút như ở nước người ta, ngày mà tất cả các tài xế và nhân viên vận tải đều trở nên văn minh chuyên nghiệp, ngày mà đường sá rộng rãi phong quang hoặc không còn xe máy "điền vào chỗ trống" nữa. Tôi vẫn đi xe buýt từ bao lâu nay, bởi tôi hiểu cái tương lai đẹp đẽ kia sẽ còn rất lâu nữa mới đến, nếu mỗi người dân ra đường không tự thay đổi bản thân mình trước tiên.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.