Tôi và đám bạn lớn lên cả về thể chất lẫn tinh thần từ những chuyến xe buýt từ nhà đến trường và từ trường về nhà. Với tôi, xe buýt thời nay vẫn còn tiến bộ hơn nhiều.
Xe buýt thời chúng tôi đi có những tuyến được phân phối loại xe to hơn 16 chỗ một chút, thấp, có anh chàng 1m70 đã phải thò đầu ra cửa thông gió trên nóc mới đứng thẳng được. Cửa xe vận hành bằng "cơm", tức là phụ xe sau khi cố nhồi nhét đến đứa học sinh cuối cùng phải tự tay sập cửa vào và cài bằng loại chốt mà bây giờ đến chuồng gà người ta cũng chẳng dùng nữa. Có thời điểm cũng chẳng chốt luôn, vì người trên xe đã nêm chặt, đè luôn lên cửa.
Những năm đầu 2000, vé xe chỉ 2.500 đồng một lượt, lái xe lẫn phụ xe dành mọi ưu tiên cho đám học sinh có vé tháng vì đỡ mất công trả lại tiền thừa. Những chuyến xe trong khoảng giờ cao điểm sáng và chiều là những chuyến "vé tháng lên trước". Vậy mà đôi khi chúng tôi vẫn phải chờ hai, ba chuyến mới lên được. Bố mẹ tôi đã quen với việc con tan học lúc 17h30 mà gần 19h mới về đến nhà, mặc dù cũng chẳng la cà.
Thông thường, một trường sẽ có một nửa số học sinh đi xe buýt, thầy hiệu trưởng ngoài ký giấy khen còn phải ký rất nhiều giấy đăng ký vé tháng xe buýt, gia hạn vé ưu đãi cho học sinh... Thủ tục hành chính đầu tiên mà khá nhiều học sinh sẽ được làm quen lúc đó là cầm mẫu trạm đăng ký phát, dán hai ảnh, điền thông tin, lên phòng hiệu trưởng xin chữ ký và rón rén nhắc nhở thầy phụ trách mới rằng cần đóng dấu giáp lai hai cái ảnh để nhà xe lấy dán lên vé tháng, sau đó đem ra nộp lại lấy giấy hẹn.
Phụ huynh có con đi xe buýt đi học rất đỡ tốn công sức, mỗi tháng trả 50.000 đồng là đi tuyến nào cũng được, đỡ phải cho tiền xe đạp, đỡ phải đi thêm ít nhất bảy, tám km mỗi ngày, nhà nào có hai đứa đi học còn đỡ được nhiều hơn. Nhà trường cũng đỡ phải lo mở rộng bãi trông xe, khỏi thuê bảo vệ vì học sinh chịu đi xe buýt. Vậy là đã tiện cho gia đình, cho xã hội lắm rồi, chứ muốn tiện như trên máy bay thì với số tiền đấy, thiết nghĩ cũng không nên đòi hỏi nhiều.
>> 'Xe buýt Việt quá nhiều bất tiện'
Có một thứ người không thường xuyên đi xe buýt sẽ không biết. Đó là các phụ xe thời đó không có máy quẹt thẻ, máy bán vé tự động, phải đếm tiền bằng tay, đếm đầu người thủ công, thực hiện một vài phép toán mà bảng cửu chương không dạy, đều đặn thay loa tự động làm nhiệm vụ thông báo điểm đỗ cho hành khách biết mà chuẩn bị xuống. Vậy mà họ nhớ hết mặt được cái đám lóc nhóc sàn sàn nhau ở các trường gần nhau.
Không mất quá hai tuần để chú phụ xe chuyển từ "Giảng Võ ra cửa nhé" sang "thế hôm nay trốn học hay sao mà đi giờ này?" hoặc "có lăn ngay ra cửa không hay muốn muộn học?"... Đôi lúc các chú còn quen mặt đến mức bỏ qua việc một đứa đột xuất quên vé tháng. Thanh tra đột xuất lên xe phát hiện một khách không có vé thì phụ xe bị phạt rất nặng, nhưng họ vẫn sẵn sàng miễn vé cho mấy đứa học sinh không có vé tháng mà lại chỉ đi có một hai bến.
Ở nước ngoài, phụ xe chỉ kiểm vé đã được mua từ máy mua vé tự động. Ở ta, phụ xe không chỉ kiểm vé, đếm vé, trả tiền thừa mà còn hò hét mấy thanh niên nhường chỗ cho cụ già, cho bà bầu, nhắc nhở đám học sinh thừa năng lượng trật tự cho mọi người nghỉ ngơi, nhắc nhở hành khách xuống xe nhớ bấm đèn để tài xế còn mở cửa sau. Chưa kể, phụ xe còn hỗ trợ những hành khách mang bao gạo chục cân, đỡ một vài cụ già đi lên đi xuống, thu xếp cho các bà mẹ đính kèm mấy bé sơ sinh và kinh khủng nhất là phần hỗ trợ mấy hành khách mắc chứng say xe.
Nếu vào môi trường nhà hàng quán ăn, kinh nghiệm thực chiến đấy có thể giúp họ lên ghế quản lý. Nhưng ở trong ngành vận chuyển, nó chỉ giúp họ đảm bảo thu nhập ổn định dù không cao. Chưa kể một phút sơ sẩy có thể mất lương hưu nữa. Nếu muốn phụ xe hỗ trợ tận tình hơn, chúng ta cần thiết lập một phương tiện thanh toán hiện đại, thân thiện, cần thay đổi cơ chế để phạt hành khách cố tình trốn vé chứ đừng phạt phụ xe. Họ bớt được mấy công việc tủn mủn tốn nhiều thời gian thì mới có sức để làm việc khác.
Nếu lái xe ở Mỹ phải cặp nách bên này một cục tiền, nách bên kia một xấp vé giấy, phải kiểm tra từng hành khách xem ai có vé tháng, ai không, còn phải hỗ trợ các cụ già nữa thì chắc cái xe đó đứng yên cả ngày chứ đừng nghĩ đến chạy. Xe buýt có giờ rời bến và giờ vào bến, lệch ra một chút là lái xe bị phạt vào lương và chẳng có ai bù cho họ cả.
>> 'Đợi xe buýt tiện lợi mới bỏ xe máy, ôtô cá nhân'
Thế nên, mọi người đi xe buýt phải biết cần nhanh nhẹn, gọn gàng, tránh để người khác chờ. Các cụ già thường không phải đi học, đi làm, nếu không cấp thiết, xin hãy tránh giờ cao điểm ra. Nhiều người đi xe buýt đi học, đi làm, họ phụ thuộc vào việc xe buýt đúng giờ để đến nơi đúng giờ. Hãy đặt mình vào vị trí người đứng chờ xe, mọi người sẽ thấy sao nếu xe buổi sáng đến muộn vì có một vài người dềnh dang?
Một chuyến xe muộn vài phút sẽ kéo theo tất cả chuỗi hoạt động sau đó muộn vài phút, nhân lên với số lượt hành khách trên chuyến xe sẽ là một sự lãng phí không hề nhỏ. Hai chuyến xe của cũng một tuyến thông thường cách nhau mười lăm phút, trễ trên mười lăm phút coi như phí mất một chiều đi. Không thể đổ lỗi lái xe quan tâm giờ giấc hơn hành khách, vì một hành khách có thể đủng đỉnh chứ các hành khách khác thì không, nếu có thì chỉ là hy sinh quyền lợi một hành khách để đảm bảo quyền lợi cho số đông. Không có ai chen xe buýt vào giờ cao điểm để thư giãn ngắm cảnh cả.
Đương nhiên, vẫn có những lái xe, phụ xe thái độ rất tệ, có những hành động côn đồ. Nhưng đó là những hiện tượng cá biệt và hoàn toàn không phải tình hình chung của các chuyến xe và ở đâu cũng có thể xảy ra.
Tôi chỉ muốn nói một điều thế này. Nếu mọi người xác định sử dụng xe buýt làm phương tiện di chuyển thường xuyên thì hãy thích nghi với những nhược điểm của nó. Nếu mọi người đi xe buýt với tâm thế "thử xem thế nào" thì chắc chắn không thể thích nổi. Cũng giống như việc bạn đang đi xe máy chuyển qua ôtô, hay đi máy bay sẽ phải tuân theo rất nhiều quy định nghiêm ngặt, rất nhiều bất tiện, nhưng đổi ngược lại là đi lại an toàn và nhanh chóng. Một khi mọi người thích nghi được với những bất tiện của nó, như cách mọi người thích nghi với tắc đường khi đi xe máy, thì trải nghiệm khi di chuyển sẽ thoải mái hơn rất nhiều.
>> 'Áp lực tắc đường, thu phí thúc đẩy xe công cộng phát triển'
Tôi vẫn nhớ lần đầu tiên một người lạ - chú phụ xe - dạy tôi một bài học về đối nhân xử thế với những người xa lạ, lúc tôi mới học lớp 6: "Thanh niên sức dài vai rộng thấy người già phải nhường ghế chứ ngồi đực ra đấy à?". Tôi nhớ chú quát mấy đứa nhỏ: "Ra đường không biết phải hỏi, chứ cứ im im cho hỏng việc à?". Tôi nhớ những tháng ngày kéo cả băng lên xe, học những bài học đầu tiên về bảo bọc nhau nơi công cộng. Tôi nhớ cả anh lớp trên khi đến bến đã nhảy xuống trước, xòe ô chắn cho đám em khỏi bị ướt nhẹp bởi dòng nước chảy từ mái chìa bến xe xuống. Tôi nhớ có lần đi chơi về, tôi đã cho một em bé con vịt bong bóng tôi mới mua và em đã cười rất tươi.
Tôi nhớ đám thanh niên được các chú phụ xe dạy dỗ cẩn thận, chỉ sau vài năm đã không chỉ lên biết chào, xuống biết hỏi, mà còn biết giúp đỡ người khác tìm bến, biết đỡ hành lý cho cụ già, biết tìm túi ni lông và chai dầu gió khi thấy có người sắp không ổn đến nơi... Nó đơn giản chỉ là cho đi thì sẽ được nhận lại, chúng ta chỉ nhận về những trải nghiệm tốt khi chúng ta không đòi hỏi quá nhiều.
Nguyên lý tiếp thị về dịch vụ nói: "Sản phẩm chỉ được tạo ra bởi nhà sản xuất, còn dịch vụ được tạo ra bởi cả nhà cung cấp lẫn khách hàng. Tiện nghi có thể dùng tiền mua, nhưng niềm hạnh phúc thì chỉ có thể đổi bằng kiên nhẫn và bao dung". Nói cho cùng, nếu bạn chỉ chăm chăm tìm lỗi, nếu bạn chỉ đòi hỏi, thì có tài xế riêng lái limousine đến đón rước hàng ngày, bạn vẫn sẽ có cái để chê thôi, phải không nào?
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.