Tết vừa rồi, chúng tôi bắt xe buýt lên ga T2, sân bay Nội Bài để đi chuyến bay quốc tế. Xe buýt vào bến, cửa mở ra một thoáng rồi đóng lại ngay và xe lăn bánh gần như ngay lập tức. Vì đã quen với kiểu đón khách của xe buýt, nên tôi lập tức chạy theo và gọi to. Cũng may cuối cùng tài xế cũng chịu dừng lại để chúng tôi lên xe.
Tôi và con gái vừa hớt hải xách hành lý lên xe, thì cả tài xế và phụ xe cùng quát lớn: "Mang cả vali thế kia thì xe này không chở được". Mặc cho tôi giải thích rằng chúng tôi bay quốc tế nên phải mang vali và sẵn sàng mua thêm vé, nam tài xế vẫn nhất quyết từ chối, dù trên xe lúc ấy chỉ có vài hành khách. Mà đã là đi ra sân bay thì chẳng lẽ chúng tôi lại đi tay không?
Hè năm ngoái, cũng trong một lần bắt xe buýt ra sân bay, nhưng chúng tôi may mắn hơn vì không bị đuổi xuống. Xe to, sạch đẹp, nhưng trong tổng số sáu chỗ gài búa thoát hiểm, tôi chỉ thấy có ba cái búa, số còn lại đã biến đâu mất.
Lên xe, anh phụ lái tầm tuổi 20 cầm theo điện thoại, đeo tai nghe, lẹt xẹt đôi dép lê đi thu tiền của khách. Khi thấy một bác trai tóc bạc phơ, khệ nệ xách hành lý lên xe, anh liền quát: "Để gọn gọn vào, không biết nhìn à". Một cô gái muốn hỏi điểm dừng đỗ nhưng gọi ba lần anh vẫn không trả lời.
Khi biết điểm đến của tôi, anh bảo: "Xe không dừng ở T2, chỉ dừng ở phía đối diện, sau đấy xuống mà đi bộ qua đường" (nghĩa là tôi phải băng qua khoảng tám làn xe đang chạy vun vút). Tôi hãi quá, đành đi tiếp đến nhà ga T1 rồi lại bắt thêm một lần xe buýt nữa để sang T2.
Trở về Việt Nam sau chuyến đi ấy, tôi gặp Momoko ở sân bay lúc sáng sớm. Cô gái người Nhật có 20 giờ đồng hồ quá cảnh ở Hà Nội trước khi bay tiếp về nước, nên muốn đi thăm. Cô bảo muốn đi bằng phương tiện công cộng cho thân thiện, ở quê nhà Nhật Bản cô thường xuyên đi xe buýt, và cũng vì lúc này cô không chuẩn bị tiền Việt, chỉ có một ít đổi tại sân bay.
Thế là chúng tôi dẫn cô đến bến xe buýt ngay cạnh nhà ga T2. Một lát sau, xe buýt số 7 xuất hiện. Đã có kinh nghiệm từ mấy lần trước nên tôi chạy ra hẳn giữa đường để vẫy xe. Phụ lái chống nạnh đứng nhìn ba cô gái khệ nệ vác ba cái vali nặng lên xe, không hề chào hỏi mà chỉ cau mày thúc giục: "Nhanh nhanh lên!".
>> Văn hóa nhường chỗ trên xe buýt 'tiến hóa lùi'
Tôi nói Momoko ngồi xuống ghế và ngủ đi một lát vì đã bay cả đêm. Nhưng chỉ vài phút sau, tiếng nói chuyện oang oang vang lên khi phụ lái có điện thoại, họ buôn chuyện gì đó về kỳ nghỉ vừa rồi. Tài xế đột nhiên bật nhạc, một màn cải lương thống thiết nỉ non với âm lượng tối đa từ chiếc loa di động rè rè.
Nhiều lần tôi đi xe buýt và các phương tiện công cộng ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia... Người dân ở đó rất tôn trọng xung quanh, hiếm khi thấy ai gây tiếng động lớn, càng không bao giờ thấy bật nhạc to bằng loa ngoài. Tất cả các phương tiện công cộng đều di chuyển trong yên tĩnh. Trên xe buýt, mọi người đều yên lặng, những ai nghe nhạc chỉ sử dụng tai nghe. Người duy nhất "nói nhiều" là tài xế: họ cảm ơn khi có khách bước lên xe, và chào từ biệt mỗi khi đến bến.
Đi một lát, Momoko nhìn quanh chiếc xe và ngó nghiêng các trạm dừng, rồi băn khoăn hỏi tôi: "Sao không thấy có chỉ dẫn nào ở đây cả, làm thế nào để biết đâu là nơi tôi cần xuống xe nhỉ?". Quả thật, trung thành với xe buýt nhiều năm nhưng tôi chưa từng thấy bất kỳ một tấm biển, bảng in, hay một dòng chữ nào bằng tiếng Anh, đôi khi tiếng Việt cũng không có, chứ đừng nói đến bảng điện tử, để thông báo với hành khách là sắp đến bến nào? Tấm biển lịch trình trên xe được in đã lâu, treo tuốt trên trần xe, chữ mờ mịt và nhỏ đến nỗi ngay cả người có thị lực tốt cũng khó lòng dịch nổi.
Trên một số tuyến, tôi có thấy loa thông báo bến xe sắp đến, nhưng chỉ có tiếng Việt, không có ngôn ngữ nào khác. Ở mỗi bến xe buýt, thường chỉ có một cái cột, trên cắm một tấm biển nhỏ hơn tờ lịch treo tường ghi số hiệu tuyến buýt đi qua đây, và không có toàn bộ lịch trình của tuyến. Khách ngồi trên xe không tài nào biết được bến này là bến nào để mà xuống, và nếu muốn tìm bến xe của mình, cũng toát mồ hôi hột.
>> Xe buýt hung hăng 'tấn công' mẹ con tôi
Cách đây ít lâu, nhân một chuyến đi Sài Gòn, chúng tôi quyết tâm đi thăm địa đạo Củ Chi. Cả nhóm bắt xe buýt số 13 tại bến Trống Đồng trung tâm thành phố và khởi hành về "miền đất thép". Trên xe hoàn toàn không có bảng, biển chỉ dẫn gì, kể cả tiếng Việt hay tiếng Anh, không có loa thông báo hay thuyết minh gì, cũng không có một màn hình điện tử nào hết.
Xe khá cũ, rèm cửa sổ trĩu xuống vì bụi và ghét đóng lâu ngày. Nhiều ghế bị rách lớp vải bọc, lòi cả ruột bên trong. Thùng rác to tướng được buộc chặt vào bình nước uống ở giữa xe, trên sàn xe lác đác có giấy và rác. Dưới chân chúng tôi, một cái hót rác nhựa để lổng chổng, bên cạnh là một cái chổi đót xác xơ. Không chỉ khách nước ngoài mà ngay cả hành khách trong nước cũng cám cảnh về vấn đề vệ sinh trên xe, chứ chưa nói đến tiện nghi và sự thoải mái.
Giá vé xe buýt ở tất cả thành phố tại Việt Nam mà tôi từng đi là một mức giá chung cho cả người lớn và trẻ nhỏ. Còn ở Hàn Quốc, giá vé xe buýt cho trẻ em chỉ bằng hai phần ba giá vé người lớn, ở Nhật thậm chí là bằng một nửa. Hầu như xe nào cũng có máy quẹt thẻ, hành khách lên xe chỉ việc áp thẻ vào máy là thanh toán xong. Một số xe có máy thu tiền tự động và trả lại tiền thừa tự động, hành khách và tài xế không cần phải tốn thời gian vào việc lục túi đếm tiền. Trên xe cũng chỉ có tài xế, không có phụ xe, khác với ở Việt Nam, luôn luôn có nhân viên đứng thu tiền mặt. Những ai không có tiền lẻ, như cô bạn Momoko của tôi, thì không biết làm sao để trả tiền xe buýt.
Có một lần, khi du lịch nước ngoài về, tôi cũng ung dung ra bến xe buýt ở nhà ga T2 Nội Bài đứng chờ xe. Một xe đi qua, rồi hai xe đi vọt qua, tôi đều bị lỡ chuyến.
Mấy anh taxi nhìn vẻ ngỡ ngàng của tôi thì thương hại, liền mách nước: "Xe nó không đi hẳn vào đây để đón khách đâu em, mà cũng không dừng lại chờ đâu, em phải ra giữa đường chặn nó thì mới lên được". Tôi đành phi ra giữa đường, và đúng là chiếc xe thứ ba đã phải dừng lại thật. Anh phụ lái nhìn tôi vần vali lên xe, miệng bảo: "Sao đi nước ngoài về mà không gọi cái taxi. Đi xe buýt làm cái gì cho khổ".
Đầu tháng 7/2022, một công ty vận tải ở Hà Nội xin dừng khai thác một loạt tuyến xe buýt vì khó khăn. Trước đó, TP HCM cũng tuyên bố ngừng hơn mười tuyến xe buýt vì hoạt động không hiệu quả. Điều này hoàn toàn trái ngược với xu hướng phát triển đô thị ở Việt Nam và trên thế giới: càng đông dân cư thì càng phải mở rộng mạng lưới phương tiện công cộng, giảm ùn tắc, giảm ô nhiễm và mang lại nhiều tiện ích cho cư dân.
Nó cũng mâu thuẫn với quan điểm phát triển được nêu trong chiến lược phát triển giao thông vận tải Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, rằng "nhanh chóng phát triển phương thức vận tải nhanh, khối lượng lớn đối với các đô thị lớn (trước mắt là Hà Nội và TP HCM)", dự kiến "phát triển hợp lý hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đô thị và vận tải công cộng; đối với các thành phố lớn, phát triển mạnh hệ thống xe buýt".
Khi người dân còn chưa thiết tha với xe buýt, và ngay cả người vận hành xe buýt cũng cho rằng "đi làm cái gì cho khổ", thì mục tiêu chiến lược trên có lẽ vẫn còn xa vời.
Trịnh Hằng
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.