Trên con đường quen thuộc từ công ty về nhà vào giờ tan tầm, tôi dừng lại tại một ngã tư nổi tiếng tắc đường của Hà Nội. Ba nhịp đèn đỏ đã qua và tôi vẫn nhích từng mét trên đường, chưa thể qua nổi. Ngay bên dưới chân cột đèn giao thông, người ta bày la liệt hàng hóa ra sát mép vỉa hè để buôn bán, từ bánh mỳ, thịt xiên nướng, trái cây đến sửa khóa, sử mũ bảo hiểm...
Khác với vẻ mệt mỏi mong thoát ra khỏi đám đông của người đi đường như tôi, những người bán hàng rong bên vỉa hè vẫn không nghỉ tay một phút nào. Có lẽ họ không hề ghét tắc đường bởi đó lại chính là cơ hội để họ đông khách. Đối tượng phục vụ của họ không ai khác ngoài mấy người đi xe máy. Họ tranh thủ tạt vào mép đường, mua mấy món đồ ăn, thức uống trên đường về nhà.
Tất nhiên là với việc hàng quán bán sát lề đường thế này, người mua chẳng cần tốn công dựng xe để mua sắm. Tôi thấy các chị em vẫn ngồi yên trên xe dưới lòng đường, thậm chí còn chẳng buồn tắt máy, tay đưa tiền, tay nhận đồ để treo vào xe trước khi lại phóng vọt đi. Có vài bạn sinh viên tranh thủ lao lên vỉa hè, dựng xe máy chắn ngang lối đi rồi ngồi trên xe ăn vài xiên thịt nướng hay cái xúc xích.
Nhịp sống ở Hà Nội suốt bao năm qua vẫn như vậy. Người ta đã quá quen với câu chuyện vỉa hè bị lấn chiếm bởi hàng rong và các hộ dân kinh doanh mặt tiền. Còn người đi xe máy vẫn cứ vô tư đi lại, mua sắm, tiện đâu ghé đó, bởi mọi thứ họ cần đều có trên vỉa hè. Mối tình "son sắt" giữa hàng rong, vỉa hè và xe máy cứ thế nối dài qua nhiều năm tháng, nhiều thế hệ, đến mức người ta mặc định đó như một chuyện rất bình thường ở nước ta.
>> Cấm xe máy thế nào khi giao thông 'rùa bò'?
Những ngày qua, câu chuyện giành lại vỉa hè ở Hà Nội đang là tâm điểm tranh luận của dư luận khi chính quyền thành phố ra quân trên diện rộng để lập lại trật tự trên vỉa hè các tuyến phố. Hẳn nhiên, chẳng ai phải thắc mắc về mục đích của hoạt động này bởi câu chuyện vỉa hè bị "chia năm xẻ bảy", lấn chiếm từng mét vuông đã chẳng còn xa lạ với người Việt. Cũng đã có hàng tá những đợt tung quân giành lại vỉa hè diễn ra tại khắp cả nước, nhưng sau tất cả, mọi nỗ lực đều rơi vào bế tắc và chìm vào quên lãng.
Tôi cho rằng, chúng ta mãi thất bại trong cuộc chiến xử lý vi phạm lấn chiếm vỉa hè vì chưa đánh trúng vào gốc rễ của vấn đề. Tất cả những đợt ra quân rầm rộ xét cho cùng cũng chỉ giải quyết được phần ngọn, theo kiểu đi đến đâu dẹp đến đấy. Nhưng rồi ngay sau khi những đoàn xe tuần tra chạy qua, phía sau lưng, người ta lại ào ào chiếm lại vỉa hè. Bởi chúng ta lấy đâu ra đủ người mà canh chừng từng đoạn vỉa hè 24/7? Khi mà việc xử lý vi phạm chỉ như muối bỏ bể thì chuyện vỉa hè bị tái chiếm là chuyện không bất ngờ.
Ở đây, chúng ta cần nhìn thẳng vào bản chất của câu chuyện. Vỉa hè đang bị lấn chiếm bởi những người bán hàng rong, các hộ dân kinh doanh mặt tiền và đối tượng được phục vụ là người đi xe máy. Thế nên, muốn giành lại vỉa hè, chúng ta phải đánh thắng vào nhóm lợi ích này. Cụ thể, ta cần làm song song hai việc: kiên quyết hạn chế xe máy cá nhân trong nội đô, kết hợp với tăng cường xử lý người bán hàng rong lấn chiếm vỉa hè.
>> Vì sao tôi vẫn đi làm bằng xe máy mỗi ngày?
Tôi không đổ lỗi cho xe máy khiến vỉa hè bị lấn chiếm, nhưng chính sự "tiện" của loại phương tiện này, cùng với ý thức lái xe rất kém của tài xế đã góp phần lớn trong việc thúc đẩy người bán hàng rong, kinh doanh mặt tiền chiếm dụng vỉa hè để buôn bán. Xin đừng nói chuyện nâng cao ý thức tham gia giao thông của người đi xe máy vì đó là chuyện bất khả thi, khi số lượng phương tiện này đã vượt quá khả năng đáp ứng của hạ tầng giao thông đô thị. Muốn chờ mở rộng đường sá và giáo dục ý thức lái xe, có lẽ chúng ta phải chờ vài chục năm nữa và chấp nhận sống chung với vỉa hè bị lấn chiếm.
Biết rằng, cấm xe máy vẫn luôn là một chủ đề nhạy cảm và gây tranh cãi. Nhưng tôi tin thứ khiến đề án này bị phản đối không phải ở hiệu quả mà nó có thể tạo ra, mà nằm ở việc nó sẽ hạn chế rất nhiều sự tiện lợi của những người quen sử dụng phương tiện này - đáng tiếc đây lại là số đông trong xã hội ta, nên làn sóng phản đối mới gay gắt như vậy. Đâu ai muốn quyền lợi của mình bị ảnh hưởng, nhưng nếu ai cũng chỉ nghĩ cho cá nhân mình, đặt bản thân lên trên cộng đồng, thì đến bao giờ chúng ta mới thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn này?
Tôi tin rằng, cấm xe máy trong nội đô sẽ mang lại nhiều tác động tích cực đến mọi mặt của đời sống, xã hội: giao thông được giảm tải, ùn tắc được hạn chế, ý thức lái xe được nâng cao, vỉa hè được trả lại cho người đi bộ, phương tiện công cộng có cơ hội phát triển... Với ngần ấy thứ có được, chắc chắn lợi ích mà người Việt có được sẽ lớn hơn nhiều những cái tiện trước mắt mà xe máy đem lại. Thay đổi tư duy, dám nghĩ dám làm, mạnh dạn đổi mới, đó mới là lời giải cho nỗi đau dai dẳng mang tên tắc đường và lấn chiếm vỉa hè.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.