Hơn 340.000 trong số một triệu học sinh tốt nghiệp THPT bỏ từ khâu đăng ký xét tuyển. Sau tuyển sinh đợt 1, chỉ 49,7% thí sinh tốt nghiệp chọn vào đại học. Những con số thống kê nói trên cho thấy một thực trạng hiện nay là người trẻ thuộc Gen Z đang có những suy nghĩ thực tế hơn về con đường lập nghiệp của mình. Vào đại học giờ không còn là lựa chọn hấp dẫn hàng đầu với các học sinh cuối cấp THPT, nhất khi tỷ lệ cử nhân đại học thất nghiệp sau khi ra trường vẫn ở mức không nhỏ.
Ủng hộ quan điểm thay đổi tư duy về việc học đại học, độc giả Duy Khang chia sẻ: "Một trong những điều cốt lõi làm nên thành công là biết thế mạnh của bản thân, và luôn học hỏi không ngừng để hoàn thiện và phát huy thế mạnh đó.
Trường đại học không phải là nơi duy nhất để học hỏi, rèn luyện. Vì vậy, thành công không được quyết định bằng việc học đại học hay không, mà nó nằm ở chính suy nghĩ, tâm thế, và thái độ làm việc của mỗi người.
Kỷ luật và khả năng tự học không thể được tôi luyện chỉ bằng việc học đại học. Thật ra, trước khi vào đại học, hai kỹ năng này đã phải có rồi. Đại học chỉ là nơi góp phần mài giũa, phát huy nó cao hơn. Còn đợi đến lúc học đại học mới rèn luyện kỷ luật và khả năng tự học, e rằng chưa tốt. Ngoài ra, không phải cứ vào đại học mới gọi là 'tận dụng tốt cơ hội'. Khi đã biết tận dụng, thì dù ở đâu, hoàn cảnh nào, bạn cũng sẽ nắm bắt được cơ hội.
Học đại học không phải là tất cả, và không phải là con đường duy nhất, tiên quyết phải có để dẫn đến thành công. Thành công không phải là món quà cho những ai yêu thích sự dễ dàng. Con đường đại học có thể ngắn, có thể dễ đi hơn so với những hành trình khác, nhưng không phải luôn luôn dẫn đến thành công".
Đồng quan điểm, bạn đọc Quang Tuyen bình luận: "Từ khi trường đại học mọc lên nhiều, sinh viên ra trường đi làm lương không cao, khó xin việc, phải làm trái ngành, chất lượng cử nhân cũng bị chê nhiều... chúng ta nên nhìn vào thực tế. Rõ ràng, không học đại học không có nghĩa là 'sự học không còn được ưu tiên lên hàng đầu'. Học nghề như nấu ăn, sửa điện, cơ khí, thiết kế... cũng vẫn là học.
Thay vì chú trọng vào bằng cấp học thuật, học vị, chúng ta nên giáo dục làm sao để mỗi người phải trở thành chuyên gia trong cái nghề mà mình làm. Có nhiều đầu bếp nổi tiếng được nhiều người yêu thích, họ là chuyên gia trong lĩnh vực của mình. Để được như vậy họ cũng phải học rất nhiều và vất vả dù không phải trong giảng đường đại học".
>> 'Bài toán' trả nợ khi vay vốn học Đại học
Trong khi đó, với quan điểm trái ngược về tầm quan trọng của việc học đại học, độc giả Hoang Nguyen Luan phản biện: "Nói gì thì nói, học trường gì cũng được, nhưng cũng nên học đại học. Bốn năm thật ra không phải là dài, những kiến thức trong những năm này sẽ giúp ích rất nhiều cho các bạn tính toán, lập kế hoạch kinh doanh sau này. Ở độ tuổi 18, sau khi tốt nghiệp phổ thông, chưa đủ kinh nghiệm, nghị lực, tâm lý để sẵn sàng bước vào con đường kinh doanh, bạn sẽ khó có được thành công.
Như tôi, học kế toán, nhưng giờ đang làm Giám đốc một công ty gần 300 nhân sự, cũng trái ngành, nhưng những gì đã học ở đại học đã giúp tôi có kiến thức cơ bản, hiểu biết và sau này cộng thêm tự học để vận hành công ty. Thế nên học gì, học như thế nào là do mình cả thôi".
Đó cũng là nhận định của bạn đọc Tran Cuong: "Chúng ta phải đặt câu hỏi: Tại sao phải học đại học? Học ở đâu? Học ở môi trường nào? Thế hệ sinh ở thập niên 70, 80, 90 hay gần nhất là 2000, việc vào trường đại học là điểm sáng, đúng nghĩa là hãnh diện với gia đình, họ hàng, láng giềng. Còn lực học và ra trường thế nào là một câu chuyện khác. Cách suy nghĩ của những bạn thế hệ trẻ gần đây có vẻ như là quá thực dụng, chỉ chú trọng trọng đến kinh tế tư nhân, gia đình và bản thân.
Xin đừng lấy cớ chi phí ăn học cao để chê trách đại học. Chính vì suy nghĩ đồng tiền chi phối nên giá trị văn hóa, giá trị truyền thống hiếu học của ông cha ta đang dần mai một đi. Thực tế, hiện nay, người người, nhà nhà chỉ suy nghĩ xoay quanh câu chuyện kiếm tiền, vật chất mà xem thường những giá trị khác.
Nếu thế hệ trẻ không chú trọng việc học tập từ môi trường tập thể mà tham gia vào kinh tế tư nhân từ quá sớm thì dần dần tư tưởng và cách sống của người Việt sẽ rẽ sang hướng khác không sớm thì muộn. Chúng ta tiếp thu giá trị của thế giới nhưng luôn luôn phải giữ cái giá trị bản thân, gia đình và văn hóa cổ truyền".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.