Những năm gần đây, tỷ lệ đỗ đại học ở Việt Nam ngày càng cao (gần 93% thí sinh đăng ký xét tuyển đại học năm 2023 đỗ nguyện vọng 1). Tuy nhiên tấm bằng cử nhân và kiến thức trong trường lại không tỷ lệ thuận với cơ hội việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp. Nhiều bạn trẻ thậm chí chưa từng được sử dụng sau hai năm ra trường. Tình trạng thừa cử nhân, thiếu lao động thực lực vì thế ngày một trở nên nghiêm trọng.
Theo thôi, thị trường lao động sẽ quyết định chất lượng đào tạo của các trường, dù là Đại học hay Cao đẳng hay trường nghề, quyết định nhu cầu ngành nghề đào tạo của xã hội. Ở đâu trên thế giới cũng có trường với chất lượng đào tạo từ tốt tới trung bình. Xã hội vốn dĩ là vậy, nên đừng chỉ trích sao quá nhiều người đậu đại học, sao quá nhiều cử nhân, kỹ sư, Thạc sĩ... thất nghiệp.
Không ai ép bạn phải học đại học và cũng không có luật nào cấm công dân không được học đại học. Mỗi cá nhân và mỗi gia đình phải tự chọn hướng đi cho mình. Thị trường lao động sẽ quyết định năng lực thật sự của mỗi người. Do vậy, cũng đừng quá chú trọng vào việc lao động thiếu tay nghề này, thiếu trình độ... Điều quan trọng nhất hiện nay và tương lai là nền kinh tế có phát triển mạnh để các doanh nghiệp có đủ nhu cầu tuyển dụng lao động mọi trình độ hay không mà thôi?
Cứ nhìn thời điểm hiện tại, các khu nhà trọ tại các khu công nghiệp vắng lặng người thuê là đủ thấy "thừa thầy, thiếu thợ" không có quá nhiều ý nghĩa. Hiện nay, cả thầy và thợ đều thất nghiệp nhiều chứ không riêng bên nào.
>> Đại học 'dễ vào, dễ ra, khó xin việc'
Có rất nhiều người học nghề, học đại học, cao đẳng lĩnh vực A nhưng lại làm việc, kinh doanh lĩnh vực B, C... rất thành công. Có ai nghĩ rằng kỹ sư điện tử, máy tính lại làm giàu nhờ nuôi dế, ba ba; người tốt nghiệp sư phạm nhưng lại làm môi giới và kinh doanh bất động sản thành công ngoài ý muốn... Biến động về nhu cầu lao động trong thời đại Internet bùng nổ từ nhiều năm qua, ai cũng biết và cần có sự chuẩn bị, thay đổi tư duy.
Tình trạng "thừa thầy, thiếu thợ" đã được cảnh báo từ rất lâu, do vậy, tới ngày nay, người có bằng cao đẳng hay đại học cũng khó kiếm việc đúng với chuyên môn, điều đó không có gì là bất thường cả. Tình trạng lao động thất nghiệp nhiều như hiện nay tạo sự cạnh tranh trong tìm việc làm. Về vĩ mô, một lực lượng lao động lên tới hơn 52 triệu người (quý 1/2023) thì xã hội cần có bao nhiêu doanh nghiệp để có thể tuyển dụng hết số người trong độ tuổi lao động trên? Đây là bài toán khó mà những nhà quản lý cần phải giải quyết.
Theo đánh giá của World Bank, chỉ 10% người lao động đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp trong thời kỳ chuyển đổi số. Câu hỏi đặt ra là chất lượng đào tạo ở ta như thế nào? Nếu chỉ 10% đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, thì trong thời gian dài sắp tới, liệu có nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam hay không với chất lượng nguồn nhân lực thế?
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.