Theo quy định về chu kỳ kiểm định, tôi phải mang chiếc xe của mình đi đăng kiểm. Lường trước những khó khăn có thể gặp phải, ngay từ trước khi đến hạn 15 ngày, tôi vào trang web đăng kiểm để đặt lịch online. Thế nhưng, mò hết các trung tâm đăng kiểm tại Hà Nội và các tỉnh lân cận, tôi thấy hầu như chỗ nào cũng đã kín lịch trong vòng 10 ngày tới.
"Có lẽ phải đi xa hơn chút nữa chăng?", tôi nghĩ bụng và quyết định tìm kiếm trong phạm vi lớn hơn. May mắn, tôi cũng tìm được một nơi còn trống lịch đúng ngày hết hạn đăng kiểm cũ của mình ở một địa điểm xa hơn chút nữa. Phấn khởi khai báo thông tin theo yêu cầu trên trang web, một phút sau, tôi có phiếu tiếp nhận hồ sơ online. "Kể ra có chút ít hiểu biết công nghệ ở thời nay cũng tốt ra phết", tôi thở phào nhẹ nhõm sau khi hoàn tất đăng ký.
Công cuộc đăng kiểm của tôi coi như đã xong bước đầu tiên. Nhưng, tôi bỗng hơi chột dạ với vụ đăng ký online này. Liệu cái click chuột của mình có thực sự về đến các trạm đăng kiểm không? Vậy là tôi bốc máy, gọi đến đường dây nóng của trạm đăng kiểm trên, kết quả không nằm ngoài nghi ngờ của tôi. Bắt máy tôi là một nhân viên trực tổng đài, thông báo rằng: "Chúng tôi không nhận online, anh vui lòng mang xe đến xếp hàng càng sớm càng tốt".
Vậy là công cuộc "chuyển đổi số" của tôi với thủ tục đăng ký đăng kiểm coi như đã thất bại chóng vánh. Phương án xếp xe trực tiếp sẽ buộc phải được thực hiện dù đã là thời đại 4.0. Đúng 3 giờ sáng, khi mà "tiếng chổi tre những đêm đông chưa thức dậy", tôi đã nhai vội mẩu bánh mỳ và mang theo chai nước vợ mua từ tối hôm qua, nhằm thẳng hướng trạm đăng kiểm mà tiến.
>> 'Chu kỳ kiểm định ôtô gia đình trên 15 năm nên là 24 tháng'
5 giờ sáng, tôi đến nơi. Theo những chỉ dẫn từ ánh đèn pin và và hướng dùi cui từ một bác bảo vệ thiếu ngủ chỉ vào điểm đỗ cuối cùng của sân đăng kiểm rộng khoảng 5.000 m2. Tôi thầm hy vọng sẽ xong trong hôm nay. Đỗ xe tắt máy, tôi chỉ còn nghe tiếng các bác tài nhỏ to xì xào:
"Em lái taxi công nghệ, đăng kiểm mất nguyên một ngày, coi như mất tiêu 2 triệu của em rồi". Tôi giật mình, nghỉ hôm nay, hình như tôi cũng mất toi 1 triệu đồng vì trừ ngày phép.
"Các bác ăn thua gì, em lái xe khách, xếp hàng ba ngày rồi, mỗi ngày bét nhất cũng phải kiếm được 7 triệu đồng, đăng kiểm kiểu này là em mất trắng 20 triệu rồi". Cứ thế, các bác tài xe tải lớn, xe tải bé, xe bom, xe bê tông... thi nhau tính toán thiệt hại vì chờ đăng kiểm.
Tôi tính nhẩm, theo công suất đăng kiểm ở đây (ba dây chuyền), mỗi ngày khám được 150 xe du lịch và 40 xe tải và xe khách. Cả nước có khoảng 200 trạm quá tải như thế này. Như vậy, số tiền người dân bị thiệt hại cho một ngày không phải là nhỏ nếu tính theo phép ngoại suy của tôi từ trạm này:
Xe du lịch (trung bình 1.5 triệu đồng một xe mỗi ngày): 150 x 1.5 x 200 = 45 tỷ đồng một ngày.
Xe tải, xe khách (trung bình 10 triệu đồng một xe mỗi ngày): 30 x 10 x 200 = 60 tỷ đồng một ngày.
Khủng hoảng đăng kiểm đã kéo dài hai tháng, tức con số thiệt hại là: (45 + 60) x 60 = 6.300 tỷ đồng.
Đó mới chỉ là tính toán thuần túy về mặt thu nhập, chưa kể về những thiệt hại về sức khỏe, môi trường và nhiều thứ khác nữa. Con số thiệt hại 6.300 tỷ được nhẩm tính từ một tài xế quèn liệu có đáng để suy ngẫm? Thiết nghĩ, việc làm trong sạch bộ máy đăng kiểm là đúng và cần thiết, tuy nhiên, cần phải có phương án để tránh bị động và đẩy người dân vào những thiệt hại không đáng có như thế này.
Tôi lại lên xe và vẫn tiếp tục chờ để đợi đến lượt đăng kiểm, chỉ mong các cơ quan sơm đưa đăng kiểm trở về trạng thái "bình thường mới".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.