Đặt 200.000 đồng ở hộc xe là một kiểu 'luật ngầm' ngay tại các điểm đăng ký, đăng kiểm ôtô để được bôi trơn quy trình. Đó là "mẹo" mà các tài xế Việt vẫn rỉ tai nhau mỗi khi mang xe đi đăng kiểm. Nói cách khác, tại nhiều trung tâm đăng kiểm, tất cả công đoạn kiểm tra kỹ thuật nhanh hay chậm, dễ hay khó đều được quy ra tiền. Người ta còn nói vui với nhau: "Xe có cũ nát, thương tích đầy mình thế nào cũng qua được hết, miễn là bạn chịu chi".
Cũng nhiều lần trải qua quá trình "làm luật" tại trung tâm đăng kiểm ôtô, độc giả Namdrive chia sẻ: "Tôi lái xe hơn 20 năm rồi và chưa bao giờ cầm lái chiếc xe nào sản xuất quá 10 năm. Nhưng cũng từng đó thời gian đi đăng kiểm, tôi chưa bao giờ không mất tiền cả, nếu muốn nhanh và không bị hoạnh họe. Thực ra, đấy đều là những cái rất vô lý, không liên quan đến đăng kiểm, đến an toàn vận hành xe, nhưng vì chẳng ai có thời gian tranh cãi với đăng kiểm viên nên ai cũng tự hiểu bỏ tiền cho xong chuyện".
Đồng cảm với chuyện bỏ tiền mỗi khi đi đăng kiểm xe, bạn đọc Tuân Nguyễn kể lại: "Tôi chạy chiếc FF 2014. Từ đó tới trước năm 2022, khi tôi đi đăng kiểm, mọi việc rất ổn. Đến năm 2022 mới xảy ra sự cố. Chuyện là tôi đăng kiểm sát Tết nên rất vất vả, chờ bốn tiếng mới mới được vào đăng kiểm (vì xe nhiều). Tới khi vào đăng kiểm, xe của tôi bị lệch thước lái, tôi phải đem xe đi làm lại. Ngày hôm sau, tôi lại vào kiểm định, có điều lạ là những xe đi trước tôi dù nhìn rất tệ, thắng còn không ăn và bị tuột dốc lên khi đi kiểm định, thế mà họ vẫn được qua vì có để sẵn 200.000 đồng trong xe. Còn tôi, do chủ quan xe mình còn ổn nên mới bị hành lên hành xuống. Từ sau hôm đó, mỗi khi vào kiểm tra, tôi đều biết ý để sẵn 100.000 đồng vào trong xe và mọi việc đều ổn thỏa".
"Tôi đã đi đăng kiểm sáu, bảy lần gì đó. Kể từ lần đầu tiên cho tới lần gần đây nhất, chưa lần nào tôi bỏ tiền vào hộc hay để tiền trên xe. Nhưng sau khi được gọi lên để dán tem thì tôi được nhắc ngay: 'Cho anh em ít đồng uống nước'. Rồi được hướng dẫn đi vào nơi khuất hoặc đi vào một phòng không có ai ở đó, đặt tiền tùy ý vào hộp để sẵn. Nói chung, kiểm định viên chưa bao giờ xin rõ một con số nhưng để cho nhanh, đỡ mất công, mất việc, các tài xế đều rỉ tai nhau bỏ ra 200.000 đồng từ đầu", độc giả Việt Nam nói thêm.
>> Biển số ôtô có nên gắn QR code, quốc kỳ?
Nói về trải nghiệm khó quên khi đi đăng kiểm xe, bạn đọc Nhatminh chia sẻ: "Xe của tôi mới 100%, mới đánh từ hãng ra, lần đầu đăng kiểm nên tôi không rõ quy trình. Cậu sale bảo tôi là 'xe mới nên chỉ cần để 100.000 đồng trong xe là được'. Tin tưởng nên tôi cũng làm theo hướng dẫn. Thế nhưng, ngồi chờ mãi ở ngoài, tôi vẫn không thấy xe mình được ra. Trong khi đó, các xe nhìn như sắp rụng hết cả linh kiện ra ngoài rồi và đến sau tôi thì lại được nhân viên đăng kiểm đánh ra tận nơi giao xe. Chờ lâu quá, sau khi các xe khác về hết rồi, tôi mới ra hỏi kiểm định viên thì họ chỉ hất hàm, chỉ tay vào góc tít bên trong. Vấn đề là 100.000 đồng tôi để trong xe cũng không cánh mà bay".
Không nằm ngoài những rắc rối vì đi kiểm định xe mà quên bỏ sẵn tiền bôi trơn, bạn đọc Bui Hien nhớ lại: "Năm đó tôi đi đăng kiểm, em tài xế ở công ty dặn dò rất kỹ. Nhưng vì tôi vốn ghét mấy trò phong bì nên không chịu làm theo. Tôi được cảnh báo 'nếu không làm giống người ta là sẽ bị hành dữ lắm'. Cuối cùng, tôi quyết định thỏa hiệp. Sáng đó, tôi đánh xe đến cổng trung tâm đăng kiểm, thấy ngay cái biển rất to ghi 'không được để tiền trong xe'. Tôi đọc đi đọc lại, bối rối hoang mang vô cùng, lẽ nào mới hôm qua họ dựng cái biển nên em tài xế công ty tôi không biết mới xui tôi làm bậy?
Cuối cùng, tôi quyết định làm 'giống cái biển' chứ không 'giống người ta'. Tôi cất tiền đi, đánh xe vào và ra ngồi cà phê với đám lái xe. Chủ đề tám chuyện đương nhiên là "để bao nhiêu?". Tôi lại hoang mang tiếp, hỏi em ngồi gần: 'Ủa, bọn em vẫn bỏ tiền à? Chị thấy có cái biển bảo không được làm mà'. Em đó há hốc, cười bò: 'Chị là Việt kiều hả? Cái biển đó có từ ngày thành lập rồi, mà tụi em vẫn để tiền từ đó tới giờ luôn'".
Câu hỏi đặt ra là vì đâu mà "luật ngầm" ở các trung tâm đăng kiểm vẫn diễn ra công khai suốt nhiều năm? Độc giả Bình Luận cho rằng: "Chính sự khó khăn và khó hiểu trong những điều kiện đăng kiểm nên người dân mới phải để 200.000 đồng trong xe. Nếu cứ giấy trắng mực đen một danh mục những điều cần kiểm tra, đạt yêu cầu hay không rõ ràng, thì sẽ chẳng ai phải để tiền như vậy cả. Đăng kiểm cũng chỉ như kiểm tra sức khỏe định kỳ thôi, bạn ho không đồng nghĩa với việc bạn bị bệnh nặng và phải về nhà cách ly. Vậy nên, hãy chỉ kiểm tra những thứ liên quan tới an toàn như phanh, dây an toàn, các loại kính, hệ thống gầm, khí thải... là đã quá đủ rồi".
Đồng quan điểm, bạn đọc Benbop nhấn mạnh: "Quy định chặt cũng có hai mặt, chung quy lại vẫn khổ người dân. Bây giờ tôi đi đăng kiểm, xếp hàng từ nửa đêm đến hết ngày hôm sau vẫn chưa đăng kiểm được. Tôi vẫn ủng hộ thủ tục nhanh gọn như trước, tất nhiên những lỗi liên quan đến an toàn, kỹ thuật trong phạm vi không cho phép thì vẫn sẽ từ chối đăng kiểm. Hiện tại, các trung tâm lại bắt đầu quay lại dập khuôn và hành là chính".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.