Theo dự thảo sửa đổi bổ sung thông tư 16/2021 do Cục Đăng kiểm Việt Nam vừa trình Bộ Giao thông Vận tải, xe gia đình, xe không kinh doanh vận tải sản xuất dưới 7 năm sẽ được miễn đăng kiểm lần đầu; kiểm định chu kỳ đầu được kéo dài 36 tháng, chu kỳ định kỳ 24 tháng, tăng 6 tháng mỗi giai đoạn so với hiện nay. Xe sản xuất trên 7 năm đến 15 năm có chu kỳ định kỳ 12 tháng. Xe trên 15 năm (hiện nay là 12 năm) kiểm định định kỳ 6 tháng.
Tuy nhiên, độc giả Thai Phong cho rằng chu kỳ này vẫn là quá ngắn: "Xe gia đình, không chở khách, sản xuất đến 15 năm mà chu kỳ 12 tháng là quá gần. Phải chăng tiêu chuẩn an toàn hơn cả Nhật Bản, Hàn Quốc? Hay trình độ con người và công nghệ của chúng ta chưa đáp ứng được, chưa ngang bằng các nước khác? Trong khi Nhật Bản không phân biệt năm tuổi đối với xe du lịch, và xe gia đình, chu kỳ kiểm định đều là hai năm".
Đồng quan điểm, bạn đọc Hai lúa nhận định: "Tôi không hiểu tham khảo 'một số nước tương đồng về điều kiện hạ tầng, phương tiện..." là những nước nào? Tại sao chúng ta không tham khảo các nước tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu hay Mỹ? Cá nhân tôi đánh giá chất lượng xe cá nhân hiện nay tại Việt Nam rất tốt và hoàn toàn có thể áp dụng chu kỳ đăng kiểm hai năm một lần như các nước khác. Thêm nữa, xe cá nhân hoạt động chủ yếu ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM - nơi chất lượng đường sá cũng không quá kém so với các nước phát triển".
"Với xe không kinh doanh, chu kỳ kiểm định nên đặt ra là hai năm trong vòng 20 năm đầu, sau đó là 18 tháng vĩnh viễn. Ngược lại, với xe kinh doanh, chu kỳ cần siết chặt hơn nữa. Chính sách đăng kiểm hiện nay ở ta lấy theo tình hình kinh tế khi xưa, xe cộ chủ yếu là xe công cộng hoặc cung cấp dịch vụ, cũng chủ yếu nằm trong sở hữu nhà nước. Cần nhìn nhận là từ 2010 đến nay, số lượng xe gia đình tăng vọt, nếu cứ giữ nguyên quy định như hiện nay thì hạ tầng đăng kiểm hiện tại cũng không đủ đáp ứng. Việc đầu tư thêm cùng những chi phí phát sinh sẽ gây lãng phí lớn cho xã hội", độc giả Phan Khanh Hung bổ sung thêm.
>> Kiểm định 6 tháng một lần với ôtô 10 năm tuổi có phù hợp?
Cùng chung mong muốn về việc kéo dài thời hạn đăng kiểm với xe gia đình, không kinh doanh, bạn đọc Lão Nông đề xuất: "Theo tôi, xe gia đình sản cuất từ 3-10 năm nên quy định chu kỳ là hai năm, xe từ 10-20 năm tuổi là 18 tháng, xe trên 20 năm tuổi (số này rất ít) mới rút xuống một năm. Vì thực tế, xe gia đình chủ yếu được sử dụng để đi làm hàng ngày, nhiều lắm cũng chỉ chạy 50 km đổ lại, có khi đi ít chỉ 15 km. Như vậy, mỗi năm, xe gia đình chạy trung bình từ 6.000 km đến 20.000 km, đi 10 năm cũng mới được 200.000 km. Trong khi đó, xe kinh doanh hoạt động gấp 5- 10 lần như vậy.
Với cách tăng thời gian cho từng chu kỳ cho xe gia đình như dự thảo của Cục Đăng kiểm Việt Nam, tôi thấy có vẻ chưa hợp lý và còn mang cảm tính, chứ chưa có định lượng, tính toán, nghiên cứu cụ thể cho từng loại hình ôtô, chưa có cơ sở khoa học cụ thể, nên chưa có tính thuyết phục. Chỉ cần vào các cơ sở bảo dưỡng xe của các hãng, chúng ta sẽ có số liệu quãng đường sử dụng trung bình của xe, từ đó nghiên cứu, xem đây là cơ sở để tính toán cụ thể chu kỳ đăng kiểm hợp lý".
Ủng hộ quan điểm kéo dài thời hạn đăng kiểm với xe gia đình, độc giả PhươngLong kết lại: "Xe hơi gia đình mới mua nên để chu kỳ kiểm định lần đầu là 5 năm, lần hai là 4 năm tiếp theo và lần ba trở đi cách nhau 3 năm. Thực tế, xe tôi chạy bảy năm, đi kiểm định mấy lần nhưng chẳng lần nào bị đánh trượt cả vì chẳng hề có lỗi gì hết. Lần này, kiểm định xếp hàng mấy ngày cũng chỉ kiểm tra mấy thứ cơ bản và dán tem cấp giấy mới để xe được chạy tiếp, rất lãng phí thời gian và công sức của các bên. Tôi nghĩ rằng, đã đến lúc chúng ta cần xem xét lại quy định hiện hành về đăng kiểm với xe hơi (đặc biệt là xe gia đình) xem có còn phù hợp với đại chúng nữa hay không?".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.