Bài viết "Nỗi khổ kiểm định ôtô sáu tháng một lần" đang nhận được nhiều ý kiến chia sẻ của độc giả VnExpress. Phần nhiều trong số đó bày tỏ đồng cảm với những bức xúc của các tài xế Việt với quy định đăng kiểm ôtô hiện hành.
Độc giả Tuanthao bày tỏ: "Tôi cũng có xe gia đình, mỗi năm đi chưa tới 10.000 km. Sau 2,5 năm tôi mới đi được hơn 20.000 km. Vậy mà đến giờ tôi cũng phải đăng kiểm hai lần rồi. Xe gia đình vốn luôn được bảo dưỡng cẩn thận, trong khi tôi đi xe 2,5 năm còn chưa bằng một phần tư người chạy xe dịch vụ trong một năm. Rõ ràng, quy định đăng kiểm hiện hành quá lãng phí thời gian và tiền bạc của gia đình tôi vì xe gần như là mới 90%".
Cùng chung suy nghĩ, bạn đọc Pham Pham chia sẻ: "Ôtô bốn chỗ của tôi mua được 13 năm, nhưng chỉ mới đi hơn 50.000 km. Xe gần như mới như vậy nhưng cứ sáu tháng lại phải đi đăng kiểm một lần. Thực sự điều đó quá không cần thiết và gây tốn kém, mất công vô cùng. Do đó, tôi đề nghị, ngoài xét về yếu tố thời gian của xe, cần cân nhắc thêm quãng đường mà xe đã lưu hành. Vì cũng thời gian như xe tôi, nhiều xe của cơ quan, doanh nghiệp lại chạy gấp 7-10 lần, mà thời gian đăng kiểm vẫn thế".
Bức xúc vì thời gian giữa các lần đăng kiểm chưa hợp lý, độc giả Quyền nhận định: "Tôi mua xe cổ để đi, xe được tôi bảo dưỡng và thay thế phụ tùng mới, cũng ít đi. Tôi đi xe rất giữ gìn và chủ động kiểm tra, thay thế nếu xe có vấn đề gì đó, thậm chí là lỗi nhỏ nhất, vừa để an toàn cho chính bản thân và mọi người. Ấy vậy nhưng nếu phải đăng kiểm theo quy định thì quá phiền phức.
Đại đa số người sử dụng xe không với mục đích kinh doanh đều chủ động sửa chữa và bảo dưỡng xe định kỳ. Thế nên, chúng ta nên tập trung quản lý chất lượng các xe kinh doanh vận tải vì hoạt động liên tục. Đôi khi các chủ xe vì không có thời gian hoặc ép xe đi ngay cả khi bị lỗi để tiết kiệm chi phí, dẫn đến mất an toàn. Do vậy với các loại xe chuyên kinh doanh, nên rút ngắn thời gian kiểm định, đồng thời nới dài thời hạn đăng kiểm cho xe hoạt động với mục đích không kinh doanh.
Còn về cách tính chu kỳ để kiểm định, tôi cho rằng tốt nhất vẫn là theo thời gian (nhưng phải tính toán lại cho hợp lý với từng đối tượng cụ thể). Cuối cùng, các nơi kiểm định cũng phải làm việc có trách nhiệm vì an toàn chung của xã hội. Thực tế, tôi thấy nhiều xe còi to như sét đánh ngang tai, khói đen mù mịt, bánh đảo, thân xộc xệch, rung lắc... ấy vậy mà vẫn được chạy ngoài đường, rất khó hiểu".
>> Lộ trình của tờ 200.000 khi tôi đi đăng kiểm
Đánh giá về chất lượng kiểm định ôtô tại Việt Nam, bạn đọc Tran Chau bình luận: "Tôi chẳng thấy quy trình kiểm định đổi mới hay đơn giản hóa gì, mà còn thấy phúc tạp thêm sau hàng năm. Chủ trương bây giờ là đơn giản hóa các thủ tục, ứng dụng công nghệ hiện đại, nhưng tôi chưa thấy chúng được áp dụng với ở các trung tâm đăng kiểm. Trước kia, tôi lái chiếc xe nguyên bản nhà sản xuất, chỉ có thêm phần bình điện - thời đó khái niệm xe xăng bình điện không phổ biến như bây giờ. Ấy vậy mà họ nói là xe hoán cải và yêu cầu sáu tháng đăng kiểm một lần. Chuyện cứ tiếp diễn như vậy cho tới tận hôm nay khiến tôi gặp rất nhiều phiền toái".
"Xe mới xuất xưởng, mua về cùng phải đi kiểm định. Trong khi đó nhiều xe chưa hết hạn kiểm định lại gây tai nạn vì mất an toàn kỹ thuật và xe độ chế luộm thuộm rách nát vẫn ung dung chạy khắp nơi. Thử hỏi, kiểm định như vậy là vì sự an toàn hay để đối phó thủ tục?", độc giả Lê Hồng Vinh bức xúc.
Nói thêm về câu chuyện này, bạn đọc Trac Nghiem nhận xét: "Thứ cần làm là nên cải tiến chính sách đăng kiểm. Theo tôi, với những xe chở khách, kinh doanh vận tải, thời gian vận hành nhiều thì giữ thời hạn như hiện nay; còn với xe gia đình nên kéo dài thời gian đăng kiểm để giảm tải cho người dân, cũng như giảm bớt áp lực cho cơ quan đăng kiểm".
Giái pháp nào để cải thiện chất lượng đăng kiểm ôtô tại nước ta? Độc giả Nguyentronghia nhận định:
"Công tác đăng kiểm chỉ có thể kiểm tra, đo đếm các thông số tại một thời điểm rồi dán tem kiểm định, chứ không thể kiểm tra cả quá trình vận hành, lưu thông trên đường của phương tiện.
- Quá trình vận hành an toàn của phương tiện hoàn toàn phụ thuộc vào chủ xe chứ không phải tem kiểm định dán trên kính lái.
- Nên quy định người chủ xe phải có trách nhiệm về tính an toàn của phương tiện khi tham gia lưu thông và không phải bắt buộc kiểm định dày như hiện tại. Khi phương tiện không đảm bảo an toàn thì sẽ xử phạt thật nặng.
- Chỉ bắt buộc hàng năm kiểm tra thông số khí thải của phuong tiện phải đạt chuẩn. Việc kiểm tra chỉ cần được thực hiện tại các hãng xe, đại lý, garage có chứng nhận của cơ quan chức năng.
Làm như vậy có nghĩa là chúng ta sẽ giao quyền chủ động về đúng đối tượng chịu trách nhiệm là chủ phương tiện. Không phải kiểm định rắc rối, phiền hà mà vẫn đáp ứng được an toàn. Bên cạnh đó, cần quy định rõ và tăng cường xử phạt trực tiếp các phương tiện vi phạm giao thông với mức phạt thật cao để nâng cao ý thức người dân".
Lê Phạm tổng hợp
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.