Đọc bài viết "Tôi quyết để tài sản thừa kế cho con vì thấm cảnh tay trắng vào đời", tôi thấy quan điểm "trọng nam khinh nữ", dành hết tài sản cho con trai của cha mẹ tác giả có phần quá cổ hủ. Chính quan điểm đó đã và đang khiến cho tình cảm anh em trong gia đình bị sứt mẻ, dễ dẫn tới rạn nứt giữa các thành viên trong gia đình, nhất là sau khi cha mẹ mất đi.
May mắn là tôi có cha mẹ rất thức thời. Họ hoàn toàn không có suy nghĩ phân biệt đối xử giữa các con trai và gái. Khi chúng tôi còn nhỏ, ba cho tiền các con để dành dằn túi đi học với nguyên tắc con trai hay con gái cũng được nhận phần như nhau. Riêng quần áo, ba mua cho con gái ba bộ một năm, con trai hai bộ một năm. Ba bảo con gái mặc đồ nhanh hỏng hơn con trai nên được ưu tiên hơn một chút như vậy.
Đến năm 72 tuổi, ba mẹ tính đến chuyện chia tài sản cho cả chín anh em chúng tôi. Đương nhiên, ba mẹ vẫn rất công bằng khi chia đều cho cả con trai và con gái, mỗi đứa 5.000 m2 đất. Riêng những đứa hơi thiếu điều kiện, hoàn cảnh khó khăn hơn, ba mẹ cho thêm ít vàng để đỡ dần thêm phần nào. Và điều đặc biệt là những đứa có kinh tế hơi yếu kém thì ba sẽ ưu tiên lựa những vị trí đắc địa hơn (giá cao hơn chỗ khác một chút), còn đứa nào kinh tế khá giả sẽ nhận phần đất rẻ hơn chút ít.
Trước hôm quyết định công bố phân chia tài sản thừa kế, ba có điện gọi tôi từ Sài Gòn về để bàn sơ về ý của hai người, hỏi xem như tôi có cao kiến gì không? Tất nhiên, tôi đồng ý cả hai tay với phương án này. Sau khi chia xong xuôi cho các con, ba mẹ còn khoảng 20.000 m2 đất, để dành lại sau này sẽ lo hậu vận khi cả hai qua đời, không để con cái phải bận tâm.
>> 'Người thành công sẽ muốn để lại tài sản thừa kế cho con'
Và hôm nay, hai người đều đã nhắm mắt xuôi tay, tôi và hai người anh lớn đã họp hết anh em trong nhà lại và chia đều số đất như di nguyện của ba mẹ. Cũng nhờ sự đối xử công bằng ấy mà anh em chúng tôi vẫn giữ được tình cảm gia đình, vẫn hoan hỷ mỗi khi gặp lại nhau.
Tôi năm nay cũng đã 65 tuổi, gần đất xa trời. Học theo ba mẹ mình ngày trước, tôi cũng sớm chia đều tài sản dành dụm cả đời cho con trai, con gái của mình đều bằng nhau. Dù con trai tôi thành đạt hơn, nhưng không vì thế mà tôi có suy nghĩ "đứa giàu phải chịu thiệt để nhường cho đứa nghèo". Đơn giản vì tôi tin con đã phải nỗ lực hết mình mới có được vị trí như hôm nay (hiện là phó Tổng Giám đốc của một doanh nghiệp nước ngoài).
Ngay bản thân tôi cũng đã ý thức về việc làm di chúc sớm ngay từ khi bước sang tuổi 60. Tôi muốn chuẩn bị ngay từ sớm để nếu chẳng may vợ chồng tôi có mất đi mà không kịp trăng trối, bản di chúc kia sẽ khiến các con không phải tranh giành, đấu đá lẫn nhau. Hơn nữa, việc để các con biết trước ý định phân chia tài sản của cha mẹ sẽ khiến chúng thêm yêu thương, đùm bọc nhau hơn, do biết cha mẹ đối xử với chúng rất công bằng.
BQQ
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.