Là người làm cha mẹ, ai cũng muốn dành những gì tốt đẹp nhất cho con mình, nhất là khía cạnh vật chất, nên việc mong muốn để lại tài sản cho con là điều đương nhiên. Đối với con cái, tôi nghĩ người nào cũng mong muốn nhận được tài sản đó một cách chính đáng, để làm bệ phóng hoặc chí ít ra cũng hỗ trợ cho cuộc sống của mình.
Cùng một đứa trẻ, từ nhỏ, nếu gia đình có điều kiện chăm sóc tốt, được học trường tốt, môi trường sinh hoạt tốt, sẽ dễ dàng thành đạt hơn so với chính chúng ở trong điều kiện ngược lại. Thực tế đã chứng minh điều đó ở mọi xã hội. Vì vậy, ai nói mình không cần thừa kế là sáo rỗng, hoặc chỉ là do họ không có điều kiện nhận được thừa kế.
Xem chương trình start-up trên truyền hình, hẳn nhiều người sẽ nhận thấy đồng vốn quan trọng thế nào với người khởi nghiệp. Vậy, nếu cha mẹ có tiền đầu tư cho con thì chẳng phải rất tốt hay sao? Chỉ trừ một số ít trường hợp tài sản có được không phải do lao động mà có, cha mẹ không phải là tấm gương cho các con học tập, thì chúng mới dễ sa ngã vì không có phương hướng sử dụng số tài sản lớn sẵn có. Còn lại, tôi tin những người được nhận thừa kế đều có cơ hội thành công lớn.
Những người bạn của tôi, con cái họ phần lớn đều được thừa hưởng ít nhiều tài sản của bố mẹ và chúng nhanh chóng thành đạt, có cuộc sống thoải mái, dễ thở, hạnh phúc hơn hẳn những người tay trắng bước vào đời.
>> Trông đợi tài sản thừa kế để dễ thành công hơn
Một bạn trong hội cà phê sáng của tôi là ví dụ điển hình: doanh nghiệp của bạn chuyên kinh doanh vật liệu xây dựng, nhà có hai con. Dù sống trong gia đình khá giả nhưng ngay từ nhỏ, nhìn thấy cảnh ba mẹ cố gắng lao động, phấn đấu, chắt chiu từng ngày, nên các cháu đã rất có ý thức trong sinh hoạt và học tập. Có cháu mới hết lớp 10 trường chuyên đã giành học bổng đi du học.
Cả hai đứa con bạn đều tu nghiệp tại nước ngoài và ở lại định cư, vừa làm cho các công ty bên đó, vừa học cao học. Sau khi tốt nghiệp, nhiều công ty săn đón họ với đãi ngộ hấp dẫn nhưng cả hai đều quay về quê hương giúp đỡ việc kinh doanh của cha mẹ, do đã có kinh nghiệm làm việc, vốn sống, quan hệ vững vàng.
Hơn 10 năm trước, khi nhìn thấy các cháu đi du học về, có bằng Thạc sĩ nhưng làm nhân viên một công ty gia đình nhỏ, bản thân tôi cũng rất băn khoăn. Tôi nói với bạn: "Sao lại xếp cho chúng vị trí thấp thế?". Bạn tôi đáp rằng: "Phải đi từ thấp tới cao mới nắm được kiến thức thực tiễn, mới thấy giá trị của lao động, mới tạo nên ý chí và hiểu được giá trị doanh nghiệp".
Bản thân các cháu cũng rất thoải mái với vị trí của mình và còn rất tự hào mỗi khi hoàn thành công việc, không có lúc nào ngừng phấn đấu đưa doanh nghiệp của gia đình phát triển, luôn giữ được hình tượng tốt đẹp trong lòng mọi người, không bao giờ rượu bia, nhậu nhẹt quá trớn, chỉ khi nào cần thiết ngoại giao mới cụng ly xã giao, rất ý tứ trong việc chọn lọc các buổi giao tiếp... Đặc biệt, chúng không bao giờ thiếu quan tâm tới gia đình, vợ con. Không phải như nhiều người vẫn nghĩ là làm kinh doanh phải nhậu nhẹt để ngoại giao, phải hy sinh thời gian gia đình để tiệc tùng.
Bây giờ, các con bạn đều đã đảm nhiệm những vị trí cao trong doanh nghiệp, tài sản cả chục triệu USD, đủ sức thay thế cha mẹ điều hành công ty. Còn vợ chồng người bạn của tôi, nay đã có thể nghỉ ngơi thoải mái. Dù vậy, các cháu vẫn rất khiêm tốn, giản dị, mặc dù có lúc cháu vẫn bộc bạch: "Được làm người thừa kế rất áp lực chú ạ".
Có thể nói, giới trẻ hiện nay có học thức, lại tiếp thu được những tinh hoa của các nước tiên tiến, nên phần lớn đều biết cân bằng cuộc sống, biết gìn giữ, phát huy những giá trị tốt đẹp mà cha mẹ để lại. Nhiều lúc, chúng tôi vẫn nói: "Xã hội phát triển nhanh chóng như thế này, tính cạnh tranh trên thương trường rất cao may mà có lớp trẻ thay thế, chứ nếu không thì bó tay".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.